còn các nhân viên khác thì có đủ vodka và thuốc lá để mở hẳn một chợ đen
ở khu vực của Anh.
Nhưng Dick thất vọng vì con đường công danh chẳng mấy tiến triển.
Mặc dù việc đề bạt đã được bóng gió nhiều lần, nhưng kết quả vẫn chưa ra
sao trong một thành phố vốn đã đầy thiếu tá và đại tá, những người chẳng
phải làm gì, chỉ ngồi đó mà đợi ngày về nước. Dick bắt đầu bàn với
Charlotte khả năng trở về Anh, nhất là khi thủ tướng Công đảng mới đắc cử
là Clement Attlee kêu gọi binh sĩ Anh hãy mau hồi hương vì có nhiều việc
đang chờ đợi họ. Mặc dù cuộc sống ở Berlin khá dễ dàng, Charlotte rất vui
với ý kiến đó và động viên Dick xin được sớm giải ngũ. Ngày hôm sau, anh
xin được gặp đại tá.
“Cậu có chắc là cậu muốn thế không?” Oakshott hỏi.
“Chắc chắn, thưa ngài”, Dick trả lời. “Giờ đây khi mọi việc đã vào
guồng, Schultz hoàn toàn có thể quản lý tờ báo mà không cần có tôi”.
“Nghe cũng có lý. Tôi sẽ đẩy nhanh các khâu hồ sơ”.
Mấy tiếng sau, lần đầu tiên Armstrong nghe đến cái tên Klaus Lauber và
anh hãm các khâu hồ sơ chậm lại. Cuối buổi sáng hôm đó, khi anh tới
xưởng in, Schultz cho biết lần đầu tiên họ đã bán vượt tờ Der Berliner, và
ông nghĩ có thể đã đến lúc cho ra số báo Chủ nhật.
“Chẳng có lý gì để ông không làm việc đó”, Dick mệt mỏi nói.
“Giá như tôi có thể thay đổi giá báo như đã làm trước chiến tranh”.
Schultz thở dài nói. “Với số lượng này, chúng ta có thể được lời lớn. Có thể
ngài đại úy thấy khó tin, nhưng vào những ngày đó, tôi được coi là một
người thành đạt và giàu có”.
“Rất có thể sắp tới cũng thế, và lại còn nhanh hơn ông tưởng”, Dick nói,
mắt nhìn qua cửa sổ xuống đường phố đầy những khuôn mặt mệt mỏi. Anh
sắp bảo với Schultz rằng mình sẽ giao lại toàn bộ tờ báo cho ông và trở về
Anh thì ông ta bảo: “Tôi không chắc còn có được điều đó nữa”.
“Sao không? Tờ báo thuộc quyền của ông, ai cũng biết việc hạn chế cổ
phần của người Đức sắp được bãi bỏ”.
“Có thể là như thế, đại úy ạ, nhưng điều không may là tôi không còn sở
hữu cổ phần nào của công ty”.