Armstrong ngừng lại và bắt đầu chọn từ cẩn thận. “Vậy sao? Tại sao ông
lại bán hết cổ phần?” Anh hỏi, mắt vẫn nhìn qua cửa sổ.
“Tôi đâu có bán, mà là tặng”.
“Tôi vẫn chưa hiểu”, Armstrong nói, xoay hẳn người lại.
“Chuyện rất đơn giản. Sau khi Hitler lên cầm quyền, ông ta đã thông
qua một đạo luật không cho phép người Do Thái được sở hữu các tờ báo.
Tôi buộc phải từ bỏ cổ phần của mình cho người thứ ba”.
“Vậy bây giờ ai là người sở hữu tờ Der Telegraf?”
“Một người bạn cũ của tôi tên là Klaus Lauber”, Schultz đáp. “Ông ta là
nhân viên thuộc Bộ các công trình công cộng. Nhiều năm trước đây, chúng
tôi quen nhau tại Câu lạc bộ Cờ vua, thường chơi vào các ngày thứ Ba và
thứ Sáu, điều mà tôi cũng không được phép tiếp tục sau khi Hitler lên nắm
quyền”.
“Nhưng nếu đã là thân thiết với nhau thì ông ta phải tìm cách trả lại cổ
phần cho ông chứ”.
“Thực ra ông ấy cũng đã đưa tôi một số tiền tượng trưng, ngầm hiểu
rằng sẽ trả lại cho tôi tờ báo một khi chiến tranh kết thúc”.
“Và tôi tin ông ta sẽ giữ lời hứa, nhất là khi lại là bạn thân”, Armstrong
nói.
“Tôi cũng tin là như thế, nếu như chúng tôi không bặt tin nhau trong
thời gian chiến tranh. Từ tháng Mười hai năm 1942, tôi không còn gặp ông
ấy. Giống như những người Đức khác, ông ta cũng trở thành một con số
thống kê nào đó”.
“Nhưng ông phải biết ông ta sống ở đâu chứ?” Armstrong hỏi, tay gõ
nhẹ chiếc gậy lên chân.
“Gia đình ông ấy rời Berlin ngay khi thành phố bắt đầu bị ném bom và
chúng tôi cũng mất liên lạc từ đó. Có trời mà biết hiện giờ ông ấy ở đâu”,
ông ta thở dài nói thêm.
Dick cảm thấy đã có đủ mọi thông tin cần thiết. “À, mà bài báo về việc
mở một sân bay mới thế nào rồi?" Anh hỏi để thay đổi chủ đề.
“Chúng tôi đã cử phóng viên ảnh ra hiện trường và tôi nghĩ sẽ phái thêm
một phóng viên đến để phỏng vấn…” Schultz trả lời với vẻ nghiêm trang,