nhưng đầu óc Armstrong thì còn đang ở đâu đâu. Ngay khi về đến văn
phòng, anh yêu cầu Sally gọi cho Ủy ban Quân quản Đồng minh tìm xem ai
là người sở hữu tờ Der Telegraf.
“Tôi cứ nghĩ là Arno”, cô ta nói.
“Tôi cũng nghĩ thế, nhưng lại là không phải. Ông ta buộc phải bán cổ
phần cho một người tên là Klaus Lauber ngay sau khi Hitler lên cầm quyền.
Vì vậy tôi cần biết: Một là, Lauber có phải vẫn còn giữ cổ phần không? Hai
là, nếu còn, thì ông ta còn sống hay đã chết? Và ba là, nếu ông ta còn sống
thì đang ở xó xỉnh nào? Mà này, Sally! Không được nói chuyện này với ai,
kể cả trung úy Wakeham”.
Phải mất ba ngày Sally mới xác định được thiếu tá Otto Klaus Lauber
vẫn là chủ sở hữu của tờ Der Telegraf có đăng ký hợp pháp với Ủy ban
Quân quản Đồng minh.
“Nhưng ông ta còn sống chứ?” Armstrong hỏi.
“Rất có thể là như thế, bởi vì ông ta hiện bị giam ở xứ Gan”.
“Ở xứ Gan? Sao lại thế được nhỉ?”.
“Hình như thiếu tá Lauber hiện đang trong trại cải tạo ở ngoại vi
Bridgend, là nơi ba năm qua ông ta bị giam giữ vì bị bắt trong khi đang
phục vụ trong quân đoàn Châu Phi dưới quyền tướng Rommel”.
“Cô còn biết gì thêm nữa?”.
“Chỉ có thế” Sally đáp. “Tôi nghĩ viên thiếu tá này không gặp may”.
“Tốt lắm, Sally. Nhưng tôi vẫn còn muốn biết thêm về ông ta. Bất kể, từ
ngày tháng năm sinh, trình độ học vấn, làm ở Bộ Các công trình công cộng
bao lâu, cho đến ngày kết thúc ở Bridgend. Hãy xử dụng hết mọi ưu thế mà
chúng ta có, nếu cần thì thêm. Tôi sẽ đến chỗ Oakshott. Tôi còn gì phải lo
nữa không?”.
“Có một phóng viên trẻ của tờ Oxford Mail muốn gặp ông. Anh ta đã
đợi cả tiếng rồi”.
“Để đến ngày mai”.
“Nhưng anh ta đã viết thư cho ông và ông đã nhận lời hẹn gặp”.
“Để đến ngày mai”, Armstrong nhắc lại.