ta được chuyển đến Bắc Phi, chỉ huy một đơn vị chuyên xây dựng cầu
đường, và sau này lại chính là đơn vị được lệnh phải phá huỷ chúng. Ông ta
bị bắt hồi tháng Ba năm 1943 trong trận El Aghelia, bị đưa về Anh và hiện
bị giam trong trại gần Bridgend. Trong hồ sơ cá nhân của Lauber lưu giữ
tại Văn phòng Bộ Chiến tranh ở Whitehall, không thấy nói gì tới những cổ
phần của ông ta trong tờ Der Telegraf.
Sau khi đã đọc kỹ mọi chuyện, anh hỏi Sally một câu. Cô nhanh chóng
tra trong sổ tay của Bộ Chiến tranh và đưa cho anh ba cái tên.
“Có ai trong số họ đã từng phục vụ trong Trung đoàn Nhà vua ở Bắc
Staffordshire không?”.
“Không”, Sally đáp. “Nhưng có một người đã phục vụ trong Lữ đoàn bộ
binh Hoàng gia và cũng dùng các phương tiện hậu cần như chúng ta”.
“Tốt. Vậy thì anh ta là người đằng mình”.
“Nhân tiện xin hỏi ông, tôi phải làm gì với anh chàng phóng viên của tờ
Mail Oxford?”
Dick dừng lại. “Nói tôi tới khu vực của người Mỹ, và sẽ cố gắng thu xếp
gặp anh ta vào ngày mai”.
Rất ít khi Armstrong cùng ăn với các sĩ quan Anh, vì với ảnh hưởng của
mình, lại được tự do đi lại trong thành phố, bao giờ anh cũng được mời
chào tại các phòng ăn ở Berlin. Với các sĩ quan thì ai cũng biết, khi nói đến
chuyện ăn uống, người ta bao giờ cũng tìm cớ để được có mặt tại khu vực
của người Pháp. Tuy nhiên, vào cái tối thứ Ba đặc biệt đó, đại úy
Armstrong đã đến phòng ăn khoảng sau sáu giờ, hỏi một hạ sĩ quan đang
phục vụ tại quầy rượu có ai là đại úy Stephen Hallet không.
“Có, thưa ngài”, anh ta trả lời. “Đại úy Hallet thường đến vào lúc sáu
rưỡi. Tôi nghĩ ngài biết ông ấy làm việc tại văn phòng pháp lý”, anh ta nói
thêm cho Armstrong điều mà anh đã biết.
Armstrong vẫn ngồi tại quầy rượu, nhâm nhi ly whisky, mắt nhìn ra cửa
mỗi khi có người bước vào. Rồi anh nhìn viên hạ sĩ với vẻ dò hỏi; anh này
cứ lắc đầu hoài, cho tới khi một người hói đầu hơi sớm, gầy gò đến mức
làm bộ quân phục số nhỏ nhất cũng trở nên rộng thùng thình, đi về phía