thường nói khi bán cho một vị khách hay mặc cả.
Người nông dân lắc đầu, nhặt bao khoai tây đưa lên vai và đi về phía
trung tâm thị trấn. Lubji tự hỏi liệu mình có sai lầm khi không chấp nhận
cái giá chín củ không. Cậu khẽ chửi thề, sắp xếp lại các thứ trên hộp, chiếc
gài ve áo vẫn ở chính giữa.
“Còn cái này thì bao nhiêu?”, một khách hàng khác nhìn cái gài ve áo
hỏi.
“Bác trả bao nhiêu?”, Lubji hỏi lại bằng tiếng Hung.
“Một bao bột mỳ tốt nhất”, ông ta nói, hãnh diện lấy trên lưng lừa xuống
một bao bột mỳ đặt trước mặt Lubji.
“Nhưng bác mua cái gài ve áo này làm gì?” Lubji hỏi, nhớ lại một thủ
thuật khác của ông Lekski.
“Mai là sinh nhật vợ bác”, ông ta giải thích. “Năm ngoái bác quên mua
đồ tặng”.
“Cái đồ gia bảo đã có trong gia đình cháu cả mấy thế hệ nay”, Lubji nói,
giơ cao nó lên cho ông ta xem, “cháu sẵn sàng đổi cái nhẫn bác đang đeo
kia…”.
“Nhưng nhẫn này bằng vàng”, người nông dân cười phá lên, “còn của
cháu bằng bạc”.
“Cùng một bao bột mỳ của bác”, Lubji tiếp tục, tựa như chưa được nói
hết câu.
“Cháu không điên đấy chứ?” Ông nọ hỏi.
“Cái gài này đã từng được một bà quý tộc sử dụng trước khi gặp vận rủi,
vì thế cháu tự hỏi: vậy nó có xứng với người đàn bà đã sinh ra những đứa
con cho bác hay không?”, Lubji nói, không cần biết ông ta có con hay
không. “Hay bà lại bị lãng quên thêm một thời gian nữa?”.
Người đàn ông Hung im lặng suy nghĩ về những lời của thằng bé. Lubji
đặt lại chiếc gài ve áo vào giữa, mắt nhìn dán vào nó, không một lần nhìn
chiếc nhẫn của người đàn ông.
“Bác đồng ý đổi chiếc nhẫn, nhưng bao bột mỳ thì không”. Cuối cùng
ông ta bảo.