Lubji nhíu mày, giả vờ xem xét cái giá ông trả. Nó cầm chiếc gài ve áo
lên ngắm nghía. “Thôi được”, nó thở dài nói. “Nhưng chỉ vì sinh nhật của
vợ bác thôi đấy”. Ông Lekski đã dạy nó bao giờ cũng để cho khách hàng
cảm thấy mình mua được giá hời. Người nông dân vội vàng tháo cái nhẫn
vàng ra khỏi ngón tay và cầm lên chiếc gài ve áo.
Vừa bán xong thì người khách lúc nãy trở lại, tay cầm chiếc xẻng cũ.
Ông ta ném bịch khoai tây đã vơi một nửa xuống trước mặt cậu bé.
“Bác đã nghĩ lại”, ông nói bằng tiếng Séc. “Bác đồng ý trả cho cháu
mười hai củ khoai tây”.
Nhưng Lubji lắc đầu. “Bây giờ thì phải mười lăm củ”, nó nói mà không
nhìn lên.
“Nhưng vừa lúc sáng cháu bảo là mười hai!”.
“Đúng thế. Nhưng từ lúc ấy bác đã đổi một nửa số khoai mà cháu tin là
chỗ khoai tốt, để lấy cái xẻng”, Lubji nói.
Người nông dân lưỡng lự. Ông lại nhăn nhó, nhưng lần này không nhặt
bịch khoai bỏ đi như lần trước. “Thôi được”, ông giận giữ nói và bắt đầu
nhặt khoai ra.
Nhưng Lubji lại lắc đầu.
“Mày còn muốn gì nữa hả”, ông quát lên. “Tao nghĩ ta đã thoả thuận với
nhau xong rồi cơ mà”.
“Bác đã xem cái khuy của cháu”, Lubji bảo, “nhưng cháu thì lại chưa
được nhìn khoai của bác. Đúng ra cháu mới là người chọn khoai, chứ
không phải bác”.
Ông người Séc nhún vai, mở bao khoai tây, để cậu bới tung chọn đủ
mười lăm củ theo ý muốn.
Sau đó, Lubji không đổi chác được gì thêm. Khi người ta bắt đầu dỡ sạp
thì cậu cũng thu dọn đồ, cả cũ lẫn mới, cho vào trong hộp và lần đầu tiên
bắt đầu thấy lo về việc mẹ cậu có thể đã biết việc cậu làm.
Cậu từ từ đi qua chợ về phía bên kia thị trấn, dừng lại ở chỗ con đường
tách làm hai ngả. Một con đường dẫn ra cánh đồng nơi cha cậu chăn gia
súc, còn đường kia dẫn vào rừng. Lubji kiểm tra đường vào thị trấn xem có
ai theo sau không, rồi biến vào rừng. Một lúc sau, cậu dừng lại chỗ một cây