Lubji đợi cho đến khi trời tối hẳn mới lặng lẽ luồn qua những gia đình
đang ngủ say, cho đến khi có thể nhìn rõ những ngọn đèn của đồn biên
phòng trước mặt. Cậu kín đáo ngủ trong một chỗ đất phẳng, đầu gối lên
chiếc túi da. Sáng hôm sau, khi nhân viên hải quan nhấc thanh chắn đường
lên, Lubji đã đứng đợi ở đầu hàng. Khi những người phía sau thức dậy thấy
trước mặt là một cậu thiếu niên mặc đồng phục nhà trường đang rì rầm cầu
nguyện, họ cũng chẳng buồn hỏi bằng cách nào cậu lại ở đó.
Viên sĩ quan hải quan không phí thời gian lục cái túi của Lubji. Khi đã
qua khỏi biên giới, cậu không rời con đường dẫn về Budapest, thành phố
Hung duy nhất mà cậu nghe nói. Lại thêm hai ngày đêm chia sẻ đồ ăn với
những gia đình hào phóng, sung sướng vì đã thoát khỏi cơn thịnh nộ của
người Đức, cậu đã đến được vùng ngoại ô thủ đô vào ngày 23 tháng Chín
năm 1939.
Lubji không thể tin những điều cậu nhìn thấy. Chắc chắn đây phải là
thành phố lớn nhất thế giới? Cậu dành mấy giờ đầu lang thang qua các phố,
mỗi bước đi là mỗi ngất ngây. Cuối cùng cậu kiệt sức trên tam cấp một giáo
đường Do Thái và sáng hôm sau tỉnh dậy, việc đầu tiên cậu làm là hỏi
đường đến chợ.
Lubji sững sờ nhìn từng dãy các quầy hàng có mái che chạy dài tít tắp.
Một vài quầy chỉ bán rau, các quầy khác bán hoa quả trong khi một vài
quầy nữa thì bán giường tủ. Riêng một quầy chỉ bán tranh ảnh, trong đó
một số đã có khung. Mặc dù nói thông thạo tiếng Hung, nhưng khi cậu đến
xin làm cho các chủ sạp, câu hỏi duy nhất của họ là: “Cậu có gì bán
không?” Lần thứ hai trong đời Lubji phải đối mặt với việc không có gì để
đổi chác. Cậu đứng nhìn những người tị nạn trao đổi những vật quý của gia
đình, đôi khi chỉ là một nửa ổ bánh mỳ hoặc một bịch khoai tây. Cậu nhanh
chóng thấy rõ chiến tranh đã giúp cho một số người làm giàu nhanh chóng.
Ngày này qua ngày khác, Lubji tìm kiếm việc làm. Tối đến cậu thường
ngủ gục trên vỉa hè, vừa đói vừa mệt lả, nhưng vẫn quyết tâm. Sau khi tất
cả các chủ sạp chẳng ai mướn cậu, Lubji đành phải đi xin ăn ngoài phố.
Vào cuối một buổi chiều, trong lúc sắp tuyệt vọng, cậu đi ngang quầy báo ở
một góc phố yên tĩnh. Một bà già đang ngồi, cổ đeo chiếc dây chuyền nhỏ