Keith nằm trên cái đệm ghép từ những miếng nịt che gối được xếp ngay
ngắn trong phòng thay đồ, bắt đầu tự hỏi khi Betsy trần truồng thì trông cô
thế nào. Cậu quyết định đây phải là lần cuối cùng.
Vừa mặc lại áo lót, Penny vừa hỏi: “Tuần sau lại giờ này chứ?”.
“Rất tiếc tuần sau không được”, Keith bảo. “Anh có hẹn ở Melbourne”.
“Với ai?”, Penny hỏi. “Anh đâu có chơi cho đội bóng?”.
“Ừ, họ cũng chưa tuyệt vọng đến mức cần có anh”, Keith cười bảo.
“Nhưng anh phải có mặt trong cuộc phỏng vấn để vào trường Oxford”.
“Vậy thì việc quái gì phải lo? Nếu chẳng may phải vào đó học, nó càng
khẳng định nỗi sợ tồi tệ nhất của người ta về người Anh”.
“Anh biết thế, nhưng…”, cậu vừa nói vừa mặc lại quần lần thứ hai.
“Nhưng em nghe bố em bảo với ông Clarke là ông đưa tên anh vào danh
sách chẳng qua chỉ để làm vừa lòng mẹ anh thôi”.
Penny hối tiếc ngay là đã buột miệng nói ra câu đó. Keith nheo mắt nhìn
cô gái lúc đó đang nằm, mặt không hề đỏ.
***
Keith dùng số báo thứ hai để bày tỏ quan điểm của mình về giáo dục tư
thục.
“Trong khi chúng ta sắp bước vào nửa sau của thế kỷ XX, tiền bạc
không còn có thể đảm bảo cho một nền giáo dục tốt”, bài bình luận tuyên
bố. “Những trường tốt nhất cần phải được mở cửa cho bất cứ học sinh nào
tỏ ra có khả năng, chứ không phải chỉ cho những người sinh ra trong
những gia đình khá giả”.
Keith chờ đợi cơn thịnh nộ của ông hiệu trưởng, nhưng phía nhà trường
lại hoàn toàn im lặng. Ông Jessop không đáp lại lời thách thức ấy. Có thể
ông bị tác động bởi việc Keith đã gây quỹ được 1.470 bảng trong số 5.000
bảng cần cho việc xây sân vận động mới. Cũng phải thừa nhận rằng phần
lớn số tiền đó là trích từ những người ký hợp đồng với bố cậu, những người
mà Keith ngờ rằng họ đóng góp với hy vọng tên tuổi của họ trong tương lai
sẽ không bị nêu trên trang nhất của các báo.