cuộc sống, mọi người hãy luôn ghi nhớ câu của George Washington:
không được phép nói dối.”
Mấy tuần tiếp theo, không ai nhìn thấy Penny. Khi được hỏi, ông hiệu
trưởng chỉ nói cô ta cùng mẹ đang thăm bà bác ở New Zealand.
Keith nhanh chóng gạt vấn đề của ông hiệu trưởng sang bên và tập trung
vào nỗi lo lắng của mình. Cậu vẫn chưa tìm được cách làm thế nào trả lại
một trăm bảng thiếu hụt kia. Một sáng, sau giờ cầu nguyện, Alexander
Ducan gõ cửa phòng học của Keith.
“Tớ đến để cảm ơn cậu”, cậu ta bảo. “Cậu thật là một thằng bạn tốt”, cậu
ta nói thêm, kiểu cách hơn cả người Anh.
“Có gì đâu”, Keith nói đặc sệt kiểu Úc. “Nói đúng ra, tớ chỉ nói với ông
ta sự thật”.
“Đúng quá”, cậu lớp trưởng bảo. “Dẫu sao tớ cũng nợ cậu nhiều đấy,
anh bạn ạ. Dòng họ Alexander nhà tớ được cái nhớ dai”.
“Họ Townsend nhà tớ cũng vậy”, Keith nói, không nhìn lên.
“Trong tương lai, nếu tớ có thể giúp được gì thì đừng ngại cho tớ biết”.
“Hẳn rồi”, Keith hứa.
Ducan mở cửa, quay đầu lại nói thêm: “Townsend này! Tớ phải nói cậu
cũng không đến nỗi đểu như mọi người đồn đại đâu”.
Khi cánh cửa khép lại, Keith đọc câu của Asquith mà cậu trích dẫn trong
bài viết của mình: “Người hãy đợi đấy sẽ thấy”.
“Ông Clarke gọi điện thoại bảo anh đến phòng ông ấy”, một học sinh
lớp dưới trực hành lang thông báo.
Càng gần kỳ cuối tháng, Keith càng sợ, thậm chí sợ cả việc bóc thư,
hoặc tệ hại hơn là nhận được một cú điện thoại lạ. Cậu luôn nghĩ có người
đã phát hiện ra. Mỗi ngày qua, cậu lại chờ trợ lý giám đốc ngân hàng tìm
cậu, báo cho biết đã đến thời hạn cho thủ quỹ trường biết số tiền mới nhất
có trong tài khoản. “Nhưng em gây quỹ được hẳn bốn ngàn bảng mà”, cậu
thường nhắc đi nhắc lại rất to câu đó. “Vấn đề không phải là chỗ đó,
Townsend”, cậu như nghe ông hiệu trưởng nói.