thuyền thì bạn sẽ không thể giữ thuyền nổi được bao lâu, vì chiến lược của bạn
chưa đúng.
Chiến lược này của bạn đã chỉ nhắm đến hiện trạng của vấn đề (nước tràn vào
thuyền) chứ chưa suy xét đến nguyên nhân từ gốc (lỗ thủng trên thuyền). Chiến
lược đúng phải là tìm ra lỗ thủng và lấp nó lại trước đã. Nếu không thì cho dù bạn
tát nước nhanh đến mức nào thì con thuyền vẫn thủng và cuối cùng cũng sẽ chìm.
Nhưng bạn cũng cần có khả năng thực thi chiến lược này thật tốt, nghĩa là bạn
phải nhanh chóng tìm ra lỗ thủng và lấp kín nó lại.
Kinh doanh cũng tương tự như vậy. Nếu chiến lược sai lầm thì sự thực thi hoàn
hảo cũng vẫn chịu thất bại. Tại diễn đàn doanh nghiệp quốc tế 2006, Ram Charan
- một bậc thầy trong thực thi chiến lược - đã dùng minh họa của Toyota và Dell để
cho thấy sự thành quả lớn lao từ việc thực thi hiệu quả. Chúng tôi cũng đồng ý
rằng 2 công ty này đã thực hiện rất tốt, nhưng cần nói thêm rằng họ thành công vì
có những chiến lược đúng đắn và được triển khai tuyệt vời.
Chiến lược của Toyota là xây dựng dòng sản phẩm phổ thông nhưng chất lượng
cao, với phương thức sản xuất JIT (just-in-time: sản phẩm đúng - số lượng đúng -
địa điểm đúng - thời điểm đúng). Điểm mấu chốt ở đây là khoa học về điều phối
toàn bộ quy trình sản xuất theo cách thức: xe hơi chỉ được chế tạo khi cần thiết và
những bộ phận cấu thành nên xe chỉ được đưa đến dây chuyền sản xuất khi có nhu
cầu. Đó đã là chiến lược của Toyota (mà hiện nay chiến lược này vẫn được thực
thi).
Chiến lược của Dell là thống lĩnh thị trường máy tính cá nhân với việc sử dụng
kênh bán hàng trực tiếp nhằm cắt giảm các chi phí phân phối, từ đó có thể chào
bán cho khách hàng sản phẩm chất lượng cao với giá rẻ.
Thế thì sự thành công của Toyota và Dell có liên quan gì đến khác biệt hóa
chăng? Rất nhiều, trong đó có cả việc xây dựng chiến lược đúng thông qua khác
biệt hóa.