Những đối thủ cạnh tranh mới nhận ra rằng tuyển dụng được những người ưu tú
trong chuyên môn sẽ giúp doanh nghiệp của họ lớn mạnh. Thế là việc gìn giữ sự
khác biệt đã trở nên khó khăn hơn. Điều này thường đúng đối với mọi công ty.
Khi công ty đã trở nên khổng lồ, mức chuẩn trung bình đương nhiên là bị giảm
xuống. Nhưng hơn hết thì không phải tất cả những nhân sự được tuyển dụng sau
đó đều được mong đợi là xuất sắc như ông Arthur Andersen và đội ngũ ban đầu
mà ông thành lập, phải không bạn?
Nếu muốn sử dụng nhân sự của mình làm ý tưởng khác biệt hóa, bạn phải chuẩn
bị như những gì mà Arthur Andersen đã làm trong năm 1913. Để làm điều đó, bạn
cần nghiên cứu xem những loại nhân sự nào mà đối thủ cạnh tranh đang tuyển
dụng và gắng sức làm một cuộc cách mạng.
Ví dụ, nếu bạn điều hành một doanh nghiệp vận chuyển bằng xe tải và đối thủ của
bạn sử dụng những tài xế không biết nhiều tiếng Anh, thì cơ hội có thể dành cho
bạn là nỗ lực để trở thành người dẫn đầu với việc tuyển dụng các tài xế thông thạo
ngôn ngữ này. Điều đó có giá trị không, khách hàng có quan tâm đến điều đó
không? Nếu có, bạn hãy làm đi. Xin lưu ý rằng ý tưởng khác biệt hóa luôn phải
gắn liền với khách hàng.
Con người có thể tạo ra sự khác biệt thực sự hay không?
Chúng tôi muốn bạn xem xét viễn cảnh này. Hãy cùng nhau giả định rằng bạn là người
bán hàng đẳng cấp quốc tế. Bạn có kiến thức xuất sắc về sản phẩm, có kỹ năng giao tiếp
cao, vẻ bề ngoài thu hút. Bạn rất dễ mến. Bạn làm việc cho một công ty kinh doanh thiết
bị viễn thông.
Đó là một công ty nội địa sản xuất kinh doanh các sản phẩm chất lượng cao có thể
sánh ngang với các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Nhưng công ty của bạn
chưa có ý tưởng khác biệt hóa nào mạnh mẽ.