nỗi đau khổ của mình làm trò đùa. Vì hắn bị đặt dưới sự chế ngự của một
nhu cầu tương tự như bản năng của côn trùng, buộc hắn phải theo đuổi mục
đích, bất chấp mọi lý luận của lý trí và gạt bỏ mọi cái ra sau; hắn không tài
nào trốn thoát. Đâu phải chỉ có một, mà vô số Pétrarque, suốt đời lê lết, như
đeo một xích sắt, một quả tạ ở chân, một mối tình si không thỏa mãn, thở
vắn than dài trong các cánh rừng hoang vu; nhưng chỉ Pétrarque mới có hồn
thơ, khiến ta có thể áp dụng cho hắn lời thơ diễm lệ này của Goethe:
Und wenn der Mensch in seiner Qual verstummt,
Gab mir ein Gott, zu sagen, wie ich leide.
(Và khi mà con người, trong đau khổ, không nói lên lời
Thì đã có một vị thần nói lên những gì tôi chịu đựng).
Thật ra, tinh thần chủng loại không ngừng chiến đấu chống lại các thần
bảo vệ các cá nhân, là kẻ hành hạ họ, là kẻ thù của họ, lúc nào cũng sẵn
sàng thẳng tay tiêu diệt hạnh phúc riêng tư để đạt được các cứu cánh của
mình; ngay cả sự an lạc của hàng bao nhiêu quốc gia cũng từng là nhạn
nhân của các trái chứng của nó: Shakespeare từng cho ta một tỉ dụ về loại
này trong vở Henri IV, phần III, hồi 3, các cảnh 2 và 3. Tất cả những gì xảy
ra cũng chỉ vì cái chủng loại mà trong đó bản thân ta đóng rễ đối với ta có
một quyền hành mật thiết hơn, lâu đời hơn là cá nhân và do đó các quyền
lợi của nó tất cũng hơn. Chính vì trực giác được chân lý này mà cổ nhân đã
nhân cách hóa tinh thần chủng loại dưới hình thức thần ái tình, một thứ thần
diện mạo ấu trĩ, mà lại nham hiểm, ác độc, và chính vì thế mà ai ai cũng phỉ
nhổ, thứ quỷ bất nhất, chuyên chế, tuy nhiên lại làm chủ các thần cũng như
loài người.
Tu, deorum hominumque tyranne, Amor!
(Hỡi ái tình, thống trị các thần cũng như loài người!)
Một vũ khí giết người, đôi mắt mù lòa và đôi cánh, đó là những biểu
hiện của nó. Đôi cánh tượng trưng cho bất nhất, thường thì chỉ xuất hiện với
sự thất vọng, con đẻ của khoái lạc.