tư, thật quá khôi hài khi người ta lại quá bận tâm đến cái thời gian ngắn
ngủi ấy, lại quá run rẩy khi mạng sống ta hay mạng sống kẻ khác lại lâm
nguy, lại soạn những vở tuồng bi đát mà đề tài chính chẳng qua chỉ là sợ
chết. Vì vậy, cái thái độ cố bấu bíu lấy sống kia là phi lý và mù quáng; lý do
chỉ vì rằng tất cả bản thể chúng ta tự nó đã là ý muốn sống rồi, cho cái sống
dù cay đắng, dù ngắn ngủi và dù bấp bênh đến đâu đi chăng nữa, hẳn vẫn là
cái cao quý nhất, và cái ý chí kia tự nó và trong nguyên lý của nó vốn
không có tri thức và mù quáng.
Tri thức, thay vì nằm ở nguồn gốc của sự tha thiết với đời sống, trái lại
càng chống đối sự tha thiết này, bằng cách tiết lộ rằng đời sống này chả có
gì đáng quý và do đó đánh đổ cái sợ chết. - Vì vậy mà khi biết rằng mình
phải chết, kẻ nào lại đủ cam đảm và tỉnh táo để đối diện với thần chết, kẻ đó
được thiên hạ khâm phục vì thái độ cao thượng ấy: như thế là ta hoan
nghênh sự đắc thắng của khả năng tri thức trước cái muốn sống mù quáng,
mặc dầu cái muốn sống này chính là trung tâm của bản thể chúng ta. Vì vậy
mà ta khinh bỉ kẻ để tri thức ngã gục trong cuộc chiến đấu này, kẻ cố bám
níu lấy sự sống bằng mọi giá, kẻ cố sức vùng vẫy trước cái chết nó lừ lừ
tiến tới và đón tiếp hắn trong tuyệt vọng
[32]
, và tuy nhiên đó mới chỉ là yếu
tính nguyên thủy của cái ngã của chúng ta và của thiên nhiên được biểu
diễn nơi hắn. Cũng xin nói qua rằng làm sao cái yêu sống vô hạn với cái nỗ
lực để duy trì lấy nó bằng đủ mọi cách càng lâu càng hay lại bị coi như là đê
tiện đáng khinh, và đối với các tín đồ của một tôn giáo, như không xứng
đáng với tôn giáo của mình, khi mà cái sống kia lại là tặng phẩm của những
vị thần hảo tâm mà lẽ ra người ta phải tri ân? Và làm sao cái khinh thường
sự sống kia lại có thể được coi như là cao thượng? - Tuy nhiên, đối với
chúng ta, các điều nhận xét trên đây, xác nhận: 1)-rằng ý chí sống là yếu
tính thâm hậu nhất của con người - 2)-rằng tự nó, nó thiếu hẳn một tri thức,
mù quáng - 3)-rằng tri thức là một nguyên tố thêm thắt, xa lạ đối với nó từ
nguyên thủy - 4)-rằng nó tự chiến đấu với nó và rằng sự phán đoán của
chúng ta tán thành sự đắc thắng của tri thức trước ý chí.
Nếu cái khiến ta sợ cái chết quá đỗi lại là cái tư tưởng phi hữu thì ta
hẳn phải kinh sợ không kém khi liên tưởng đến cái thời gian mà ta chưa ra