sinh vật, với cái cơ cấu vô cùng phức tạp và tinh vi không thể tưởng tượng
được, lại cứ phải tái sinh hoàn toàn, để rồi lại bị hoàn toàn tiêu diệt trong
một thời gian ngắn ngủi, để nhường chỗ cho những sinh vật mới, giống đúc
như chúng, phát sinh ra từ hư không, - đó là một ý nghĩ quả thật phi lý
khiến nó không thể, không bao giờ, lại tiêu biểu được cho tình trạng thực sự
của sự vật, mà chỉ là một tấm màn che giấu sự vật, nói đúng hơn, một hiện
tượng được quy định do cái cơ cấu của trí năng chúng ta. Phải, tất cả cái
hữu thể và ngay cả cái phi hữu của cá tính riêng biệt kia là chết với sống
thành tương khắc, đều chỉ là tương đối; ngôn ngữ của thiên nhiên lại bảo
chúng là một tuyệt đối nên không thể là tiếng nói đích thực và tối hậu của
cấu thể chân chính của sự vật và tình trạng thế gian; thực ra đó chỉ là một
thổ ngữ trong xứ, một công thức cho một chân lý hoàn toàn tương đối, có
thể nói là chỉ đúng một phần nào, hay hơn nữa, được quy định do trí năng
chúng ta. - Tôi xin khẳng định rằng, một xác tín trực tiếp, trực giác, thuộc
loại xác tín như tôi vừa cố diễn tả một cách vòng vo, hẳn đến với từng
người, - hay đúng ra chỉ đến với kẻ nào mà đầu óc không thuộc loại hoàn
toàn tục tử, mà khả năng chỉ nhắm tìm hiểu cá nhân độc nhất trong phạm vi
cá nhân, kẻ do đó chỉ triệt để có ý tri thức về các cá nhân, theo kiểu trí năng
động vật. Còn như kẻ nào, nhờ có một khả năng mạnh mẽ hơn chút, mới chỉ
bắt đầu nhìn thấy trong các bản thể cá nhân cái yếu tính phổ quát của chúng
cái Khái niệm về chúng, kẻ đó mới hội ý được phần nào cái xác tín kia, vì
thấy nó hình như trực tiếp hơn, và do đó, chắc chắn hơn. Thật ra chỉ có
những đầu óc tầm thường thiển cận mới thực sự sợ chết, cho đó là mình bị
tiêu diệt; còn những kẻ thực sự khác thường đâu có biết đến những cái sợ
ấy. Hiểu biết điều này, Platon xây dựng toàn thể triết học trên sự tri thức chủ
thuyết Khái niệm, nghĩa là trên sự thông giác được cái phổ quát trong cái
đặc biệt. Nhưng cái quan niệm này, được đề ra đây và trực tiếp phát khởi từ
sự lý giải thiên nhiên, chắc hẳn vô cùng sống động đối với các bực cao nhân
sáng lập phái Upanishad của Vệ đà, mà người ta không thể coi là những
người thường, vì trong vô vàn các lời mình nói, các vị từng giải thích cho ta
rõ điều xác tín ấy một cách hết sức đầy đủ khiến ta không khỏi nghĩ rằng sở
dĩ các vị có được sự giác ngộ mau lẹ ấy cũng vì các vị sinh gần với cái thời
nguyên thủy của nòi giống chúng ta nên lĩnh hội được bản thể sự vật một