cuộc tập trận chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với tôi ngày hôm sau. Tôi sẽ khó
lòng đồng ý với cái “thỏa thuận hợp tình”, bà suy tính thế nên rất lo lắng
bởi một khi đã không thắng được bố tôi thì tôi sẽ là kẻ mà bà phải chiến
đấu đến cùng. Bây giờ tôi mới hiểu từng bước đi của mẹ kế trong cuộc
chiến với tôi (mà tôi đã chẳng phút nào ngờ tới): đầu tiên bà chỉ nói bằng
giọng nghiêm trọng, sau đó bà nhìn tôi chằm chằm, sau đó nữa bà đứng lên
đi vòng quanh phòng khách, cuối cùng (khi tất cả đều không có kết quả) thì
bà òa lên khóc. Nước mắt bao giờ cũng là một vũ khí lợi hại. Bà đã không
lầm tẹo nào.
Tôi không biết chính xác mẹ kế đã dùng cách gì để thuyết phục Hanah. Hy
vọng con bé không phải trải qua một cuộc tra tấn tinh thần nào cả. Đối với
một đứa trẻ năm tuổi, một phần tư căn nhà (mà nó chẳng có gì gắn bó) có
giá trị tương đương một bông hoa dại mọc ở ngoài đường. Nó có thể gật
đầu cho mà không thấy băn khoăn. Nhất là khi người xin lại vừa mới cho
nó bao nhiêu thức ăn ngon lành (chẳng hạn như chiếc đùi gà nướng mà tôi
bắt gặp trong tay nó trưa hôm trước).
Có thể nói sau vụ này, tôi biết thêm nhiều điều về bố tôi và mẹ kế nhưng lý
do ông sửa đổi di chúc vào đúng cái ngày cuối đời thì vẫn khiến tôi thắc
mắc. Có lẽ nào ông đã nghĩ đến tôi sau tất tật ngần ấy thời gian không một
liên lạc. Tôi cho là nếu cách đây năm năm mà tôi không gửi cho ông tấm
ảnh của Hanah thì ông cũng sẽ chẳng bao giờ viết lại cho tôi. Đó là lần duy
nhất chúng tôi trao đổi thư từ kể từ khi tôi lên Paris học. Khi con mười chín
tuổi thì bố được pháp luật tha bổng. Bố tôi nắm rất rõ luật.
“Ông ấy yêu cầu được gặp anh. Nếu anh không có vấn đề gì, rất mong anh
hãy tôn trọng cái ý muốn có lẽ là cuối cùng của ông ấy”. Đó là nguyên văn
câu nói của mẹ kế ở điện thoại. Tôi không ngờ nó cũng khiến tôi xúc động
để vội vàng về nhà đón Hanah rồi ngồi hơn mười tiếng tàu chậm xuống X.
Nhưng bây giờ thì tôi hiểu bà đã bịa ra hoàn toàn. Bố tôi không hề có nhu
cầu gặp tôi trước khi ông qua đời. Chính bà đã chủ động gọi điện cho tôi