XIII
Trong thang máy, tôi bỗng nghĩ tới Anna, rồi cái câu “bố anh là một người
hào hiệp chưa từng thấy” mà cô ta nói giữa bữa tiệc tang lại quay về trong
đầu. Tôi nhớ khi ấy, giọng cô ta chân thành và có cái gì đáng thương. Có
thể vì thế mà tôi đã không ôm bụng cười. Cứ theo cách cô ta đối xử với bố
tôi (vuốt mắt, lau người lần cuối, hôn trong quan tài…) thì Anna tỏ ra khá
gần gũi với ông. Cô ta cũng là người duy nhất mang hoa hồng đỏ đến đám
tang. Điều ấy tất nhiên là lố bịch, nhất là với một thị trấn xa xôi lạc hậu như
X. Nhưng tại sao không ai phản ứng gì? Tôi đồ rằng dân ở đây đều biết
nhiều chuyện mà không ai tiện nói với tôi, họ chỉ có dịp gặp tôi đúng một
lần mà lại trong đám tang. Hẳn là giữa Anna và bố tôi đã có mối quan hệ
khiến mẹ kế không hài lòng. Nhìn cách bà đối xử với cô ta thì rõ. Hai người
phụ nữ luôn luôn đứng quay lưng lại nhau và nếu người này phát biểu cái
gì thì người kia tìm cách vặn ngay lại. Về cách ăn mặc cũng thế, hai bộ
tang phục đều sang trọng ngang nhau. Nhưng rõ ràng mẹ kế là chính thất
mà lại yếm thế hơn vì kém cả tuổi trẻ lẫn nhan sắc (y hệt như mụ vợ của
Brunel với tình nhân của lão). Mẹ kế phải đội mũ có mạng để che bớt
khuôn mặt đã về già hẳn là vô khối nếp nhăn. Ngược lại, Anna không
những để hở mặt mà còn cố tình trang điểm rất kĩ để khoe hết nét đẹp của
mình. Mẹ kế kiên quyết tỏ quyền chính thất (bà chỉ đạo toàn bộ tang lễ và
cuối cùng ôm bình tro trong tay) nhưng Anna cũng tìm mọi cách để công
khai vai trò của cô ta. Chính tay cô ta vuốt mắt cho bố tôi rồi lau người,
thay quần áo cho ông. Cô ta gọi điện thông báo cho mọi người: “tiếc quá,
ông ấy mất nửa đêm hôm qua”. Cô ta cũng là người chạy ra đón tôi và
Hanah ở phòng thường trực bệnh viện. Cô ta mang hoa hồng đỏ cho bố tôi
(đó là biểu tượng của tình yêu). Cô ta hôn ông hai lần trong quan tài rồi
đứng lại ngắm rất lâu ngay trước mặt mọi người. Cô ta luôn đứng cạnh tôi
trong đám tang để giới thiệu vào tai tôi các vị khách đến dự. Cô ta đề nghị
giữ lại hoa tang chứ không cho vào lò thiêu… Và cuối cùng, sau khi đã nói