Casablanca, có nhà nghỉ mát ngay cạnh bãi biển, có xe thể thao mui trần, và
sắp tới sẽ thừa kế một phần năm dãy nhà cho thuê (vì phải chia với bốn anh
em trai nữa)… Tôi nghĩ mãi cũng không hiểu ông ta tìm thấy gì ở con bé
Viđa. Nó còn bé và thật là gầy gò. Trong tầm điện ngầm của Paris, tôi từng
nhìn thấy những thiếu nữ Maroc đẹp hơn rất nhiều.
Chị ta quả là nhạy bén, lại bắt kịp băn khoăn của tôi lần nữa: “Ông Saad là
người rất văn minh nên mới cưới vợ sinh đẻ ở Pháp”. Thấy tôi gật đầu, chị
ta tâm sự tiếp: “một đám như thế mà con Viđa không chịu. Không hiểu nó
có gì trong đầu hở ông? Chẳng lẽ lại thích làm vợ mấy thằng thợ nề trong
khu này, rồi hằng ngày ở nhà, nấu cơm, đẻ con và cuối tháng ra xếp hàng
xin trợ cấp xã hội”.
Tôi im lặng. Chuyện gả bán xảy ra như cơm bữa trên một nửa trái đất. Nếu
nhân danh “tự do”, các ông bố bà mẹ phương Tây bỏ rơi con cái, thì nhân
danh “tình mẫu tử” và “tình phụ tử”, các bậc phụ huynh thế giới thứ ba lãnh
đạo con cái cho đến lúc ra nghĩa trang. Đến bao giờ người ta mới thoát khỏi
các thái cực.
Ngoài hành lang có tiếng động mạnh, rồi cửa mở, lúc nãy tôi đã cố tình
không đóng. Hai thằng anh con Viđa bước vào, vẫn đồng phục thể thao
trắng, đầu chải gôm bóng lộn, hai tay đút túi quần. Tôi tự nhủ hai thằng
chắc phải sinh đôi thì mới giống nhau đến thế. Mọi động tác cứ như vừa
qua tổng diễn tập. Chúng nó không nhìn tôi nhưng nhòm căn phòng từ trần
xuống sàn, dừng lại một lúc ở đống quần áo bẩn và vỏ đồ hộp, khụt khịt
mũi rồi cùng quay sang mẹ tuôn một tràng tiếng Ả-rập. Chị ta lặng lẽ đứng
lên, vuốt lại măng-tô, quàng lại khăn lụa, đi lại dép lê. Cả bọn rầm rập kéo
nhau ra cửa. Hai thằng kia đi đầu. Chị ta không chào cũng không dám cả
đưa mắt nhìn tôi. Tôi cũng giả bộ nhìn xuống đất.
Tôi không nhảy bổ lên giường làm một giấc như đã tưởng. Kim đồng hồ
đang nhích dần về số 2. Cả khu không một tiếng động. Mấy hôm rồi không
thấy bọn choai choai đốt pháo sáng. Thực ra ban đêm tỉnh dậy nhìn mấy