cú điện thoại của ai đó muốn thăm dò đời tư của Paul lúc Paul đi vắng.
Không biết có khi nào xảy ra không đây?
Mất một hồi lâu tôi vẫn không quyết định được sẽ xử sự thế nào trong
trường hợp ấy, sẽ bực mình đập máy xuống hay vờ như không biết rồi cung
cấp tất cả những gì tôi rõ từ mấy tháng nay về đồng nghiệp cùng phòng.
Rồi tôi lại tự hỏi nhưng trên thực tế tôi biết gì về Paul. Ngoài thói quen vẽ
hình lò xo khi nghe điện thoại, anh ta còn một thói quen khác là chốc chốc
tháo kính, hà hơi mạnh cho hai mắt kính đẫm nước, cuối cùng rút vạt áo sơ-
mi ra lau. Một lần, tôi đã tặng anh ta một tệp giấy ẩm lau kính, nhưng sau
lại đâu vào đó. Bây giờ mỗi khi thấy anh ta tháo kính là tôi tìm cách trốn ra
ngoài hành lang. Hơi thở của Paul có mùi khá nặng, hăng hăng như mùi đất
đèn. Có cảm giác anh ta bị một bệnh cực nặng liên quan đến đường hô hấp,
nhưng không dám nói ra, sợ chẳng đồng nghiệp nào muốn làm việc chung
phòng. Đôi khi, giữa ánh sáng ảm đạm của buổi chiều muộn, bụi vẩn lên từ
đám không khí trước mặt Paul khiến tôi liên tưởng tới một đàn vi trùng
đông đúc, trong điều kiện chật hẹp và ấm áp của văn phòng, đang sinh sôi
và phát triển bằng một vận tốc đáng ngờ, chẳng mấy chốc sẽ tiến thẳng vào
buồng phổi của tôi.
Cuối cùng, tôi cũng không biết là nếu được hỏi, sẽ cung cấp cho cảnh sát
những tin tức gì về đời tư của đồng nghiệp cùng phòng. Hai thói quen của
Paul nghe chừng vô giá trị, chắc tôi vừa đề cập, người ta đã gạt đi. Căn
bệnh liên quan đến đường hô hấp, người ta cũng sẽ gạt đi nốt, lý do chưa có
bằng chứng cụ thể. Tốt nhất là đề nghị cảnh sát liên lạc trực tiếp với bác sĩ
của anh ta, hay với Brunel, tôi tin là hắn ta biết rõ tình trạng sức khỏe của
từng nhân viên, Paul vừa đến làm việc được mấy tháng, giấy chứng nhận y
tế nộp lúc mới vào hẳn còn cập nhật. Đúng là tôi có vấn đề với hơi thở của
Paul và căn bệnh liên quan đến đường hô hấp của anh ta, nhưng trong thâm
tâm tôi hiểu điều làm tôi mất cảm tình với Paul không phải ở chỗ ấy.