soát lại mớ thuật ngữ, rồi dừng lại ở từ “quyền con người”. “Quyền con
người” chợt nghe thì ngỡ chỉ mang tính cá nhân, nhưng thử nghĩ mà xem
bao nhiêu tổ chức, bao nhiêu quốc gia nấp đằng sau nó. Hơn cả một tấm áo
giáp lý tưởng, “quyền con người” còn là vũ khí khá ư lợi hại mà người ta
sử dụng để thanh toán lẫn nhau. Điều này không học được ở sách giáo khoa
vật lý mà chỉ cần xem vô tuyến truyền hình. Tổng thống Chirac trong tất cả
các diễn văn đọc tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đều đem “quyền con
người” ra dọa. Các nhà đối kháng của các nước thứ ba cũng đem “quyền
con người” ra dọa. Những người tham gia biểu tình ở quảng trường Cộng
Hòa cũng đem “quyền con người” ra dọa. Và hầu như ai cũng đạt được
mục tiêu của mình: tổng thống Chirac kí giao kèo bán mười mấy chiếc
Airbus cho hàng không Trung Hoa; các nhà đối kháng các nước thứ ba
nhận giấy mời đến dự quốc khánh tại lãnh sự quán Hoa Kỳ; những người
tham gia biểu tình ở quảng trường Cộng Hòa được nhà chức trách hứa tăng
lương, gia hạn hợp đồng làm việc, hoàn 100% chi phí nhổ răng… Vậy thì
tại sao tôi lại quên phéng “quyền con người”? “Quyền con người”, tôi thích
thú lẩm nhẩm, vũ khí lợi hại của các quốc gia Tây Âu, áo giáp lý tưởng của
các vị tai to mặt lớn, kế toán còm như tôi chỉ thỉnh thoảng khoác nhờ để
tránh mấy viên đạn lạc. Và bao giờ cũng phải hắng giọng như thể chuẩn bị
phát biểu một hệ trọng quốc gia. Hắng giọng, không hiểu thói quen của cấp
trên nào đã trở thành mốt cho các cấp dưới, tôi cố mãi mà không bỏ nổi để
đến bây giờ đâm lại được nhờ.
Không quay sang Paul, tôi cũng hình dung ra khuôn mặt tưng hửng của anh
ta. Tách cà phê có lẽ đang run trong tay. Tôi biết thế cờ đã chuyển hướng.
“Vâng, thưa ông”, có thế chứ. Vẳng trong óc tôi câu trả lời yếu ớt của cô
thường trực tổng đài.