III
Bà vợ ông gác cổng bảo hôm nay ở mẫu giáo Hanah ăn uống kém lắm, bữa
trưa hầu như không động thìa, lại muốn bỏ cả bữa phụ. Tôi im lặng. Bụng
tôi tiếp tục cuộc đình công cách đây hai tư tiếng. Bữa trưa của tôi là suất ăn
nhanh thảm hại (may mà có bộ ngực của Emmanuelle Béart hỗ trợ), tôi
không có một bữa phụ nào cả, nhưng phải chép vào máy tính mấy chồng
hóa đơn dày bằng gang tay. Vào làm ở công ty vài ngày tôi mới biết rằng
ngoài phiếu trả lương, tôi còn phải gánh thêm việc thanh toán công tác phí
cho nhân viên. Thực ra, trong hợp đồng làm việc có ghi, tôi đọc nhưng
không mấy để ý. Trước đây tôi từng là kế toán cho một trường trung học,
các giáo viên cả đời chẳng đặt chân ra khỏi biên giới nước Pháp, hiệu
trưởng nếu đi thăm quan trường bạn thì ăn cơm chiêu đãi rồi ngồi tàu
nhanh về nhà ngay trong đêm. Ngược lại, công ty bây giờ phải lập một
ngân sách lớn cho công tác phí. Hóa đơn đa phần làm ở các nước Đông Âu,
vài trăm đô-la một bữa cơm khách sạn bốn sao. Người Pháp hay nhắc đến
món “porch” mà lính Sa hoàng sì sụp trong “Chiến tranh và hòa bình”, hóa
ra chỉ nhắc trên sách vở. Hóa đơn đến tay tôi hầu như cái nào cũng bắt đầu
bằng trứng cá đen và rượu vodka, rồi vịt rút xương, thăn ngỗng rán, gà non
om, thỏ quay giòn… chỗ đâu mà dành cho xúp bắp cải chua, khách sạn bốn
sao cũng chẳng nỡ đưa lên thực đơn đặc biệt. Không hiểu sao mỗi lần chép
hóa đơn Đông Âu vào máy vi tính tôi lại thở dài. Ban giám đốc đọc xong
không thở dài mà nghiến răng: “đớp gì mà khiếp thế không biết”, như thể
chính tôi là kẻ đã ăn trứng cá đen và những món cao cấp kia.
Bà vợ ông gác cổng nhìn tôi chăm chú, dường như chỉ muốn hỏi xem tôi có
tin tức gì của “bà nhà”. Thấy tôi kéo Hanah ra thang máy, bà ta vội vàng
chạy vào bàn rồi quay ra đưa một tệp thư. Cái trên cùng phong bì to khác
thường, không dán tem nhưng có chữ “khẩn” đỏ chói, góc trái đóng dấu “sở