được tha thứ. Càng lớn, người ta càng áp dụng nó một cách hoàn hảo.
Người ta mặc com-lê thắt cà-vạt (đôi khi còn chải đầu bằng va-dơ-lin) đến
nhà thờ thổ lộ nỗi niềm cùng cha cố đạo, trong điều kiện cả hai phải ở trong
một hộp kín, không nhìn thấy mặt nhau, không bị người thứ ba giám sát.
Người ta cũng diện váy lụa và đeo nữ trang đến các khu giàu nhất thành
phố để thổ lộ nỗi niềm với bác sĩ tâm lý, cũng trong điều kiện tương tự như
trên: cả hai ở trong phòng riêng (có bình hoa và tranh phong cảnh), tuy đối
diện trực tiếp với nhau nhưng mọi bí mật của bệnh nhân được giữ kín một
trăm phần trăm, điều này không những được luật pháp bảo vệ mà còn được
các tấm séc của bệnh nhân bảo đảm - phí bác sĩ tâm lý nhiều khi đắt gấp
đôi bác sĩ chuyên khoa và đắt gấp ba bác sĩ đa khoa. Thời gian cuối, phòng
khám tâm lý đánh bại nhà thờ: hơn hẳn các cha cố đạo chỉ biết nghe và tâu
lại cho Chúa trời (nghe đã thấy cũ kĩ), các bác sĩ tâm lý sử dụng các thuật
ngữ La-tinh và Sigmund Freud (nghe đã thấy khoa học) để tìm cách xóa bỏ
tội lỗi cho bệnh nhân. Họ tài tình lôi từ cuộc sống riêng của mỗi người một
chi tiết có thể giải thích được nguyên nhân tội lỗi - nếu bà không yêu con
ruột của mình thì rất có thể vì bà chưa bao giờ được hưởng tình mẫu tử; nếu
ông là một người chồng không chung thủy thì nhiều phần trăm là do vợ ông
không đáp ứng được những đòi hỏi về tinh thần của ông (họ nhấn mạnh
rằng tình dục cũng thuộc về tinh thần)… vân vân và vân vân.
Tóm lại, người ta đến gặp cha cố đạo hay bác sĩ tâm lý để thổ lộ nỗi niềm.
Nhưng một vị luôn ngăn cách với người ta bởi bức vách kín đáo và một vị
luôn đưa bút cho người ta kí séc thì khó lòng được đám đông ngày nay tin
tưởng mà lấy làm “chỗ dựa tinh thần”. “Chỗ dựa tinh thần” chỉ là cụm từ
đẹp mà các nhà sư phạm dạy dỗ các phụ huynh, rồi các phụ huynh sử dụng
lại để dạy dỗ con cái, nhưng bọn trẻ có tin vào cái ấy không thì lại là
chuyện khác. Phương Tây vẫn than vãn rằng phương Đông coi bác sĩ tâm
lý là thứ vớ vẩn. Cá nhân tôi lại thấy đó chính là cái hay ho nhất hiện diện ở
Á châu.