Càng hình dung lại chuỗi sự việc, tôi càng không sao hiểu nổi viên đại úy.
Delon muốn gì ở tôi? Chẳng lẽ hắn bắt tôi nghỉ làm một buổi sáng chỉ vì
tấm ảnh chân dung của T? Tại sao tay nhân viên chuyển thư ấy lại không
đưa ngay nó cho các vị gác cổng mà mò lên tận căn hộ của tôi, rồi gõ cửa
như thể có ai đang ở trong nhà? Delon biết thừa tôi đã đến công ty (điều
này được Paul chứng nhận) nhưng vẫn ra lệnh cho tay này gõ cửa nhà tôi,
sau đó lại sang gõ cửa căn hộ bên cạnh, có phải để moi thông tin? Nhưng
nếu muốn moi thông tin thì moi ở các vị gác cổng là được nhiều thông tin
nhất? Không chừng các vị ấy đã cung cấp nửa tiếng thông tin? Giữa vợ
chồng ông gác cổng và viên đại úy Delon, phải nghe ai bây giờ? Câu hỏi
khiến tôi phì cười, đương nhiên là chẳng vị nào đáng một móng tay tin cậy.
“Anh ta leo bộ năm tầng cầu thang”, “anh ta không tháo mũ bảo hiểm xe
máy”, “anh ta đưa thư xong thì đi thẳng”… Bà vợ ông gác cổng tưởng tôi
ba tuổi hay sao?
Tôi tiếp tục mở đống thư từ. Hóa đơn điện nước. Hóa đơn điện thoại. Ca-
ta-lô đồ lót. Quảng cáo tắm nước suối Thalasso miễn phí (với điều kiện ăn
hai bữa tại khách sạn)… Thư ngân hàng của T khiến tôi giật mình. Lâu nay
tôi quên mất là T còn có một tài khoản riêng. Ngay từ đầu, chúng tôi đã mở
một tài khoản chung cho mọi chi phí trong nhà, hàng tháng mỗi người góp
vào đấy một số tiền như nhau. Sau ngày Hanah ra đời, số tiền ấy tăng dần
và hầu như chiếm chọn lương tháng của cô ấy. Tài khoản riêng của T, mở
từ ngày mới đến Pháp, theo thời gian teo tóp đến nỗi lâu lắm rồi không
nhận được bảng kê khai thu chi hàng tháng (ít ra là tôi không còn nhìn thấy
chúng trong nhà).
Bức thư ngân hàng của T để trước mặt. Mấy phút sau tôi vẫn không biết
nên làm thế nào. Mở thư trộm dù sao cũng là một điều không hay ho. Nhất
là thư thông báo tài khoản riêng. Với tôi, đó là bí mật tài chính của mỗi cá
nhân. Chỉ cần hơi có kinh nghiệm một chút là kẻ đọc trộm sẽ rõ các hoạt
động của đối tượng. Chẳng hạn, 48,60 euro, 8h05 ngày mồng một hàng