Tôi lên nhà lấy ít quần áo cho vào túi du lịch rồi xuống nhà bà gác cổng.
Vừa hay bà ta đi đón Hanah ở trường về. Cả hai nhìn tôi ngạc nhiên. Hanah
im lặng còn bà ta sồn sồn hỏi ngay tôi đi đâu và có việc gì xảy ra với “bà
nhà”. Tôi ra hiệu cho Hanah không cởi áo khoác rồi trong lúc dắt nó ra cửa,
tôi bảo bà ta rằng bố tôi ở miền Nam ốm nặng, muốn gặp “chúng tôi” gấp.
Tôi dùng từ “chúng tôi” vì tôi nghĩ bố tôi cũng muốn gặp Hanah, ông đã
chẳng cảm động khi hay tin được lên chức ông đấy thôi (ít ra là ông đã viết
trong thư như thế cách đây năm năm). Bà gác cổng trợn mắt, trông bà ta lúc
này rất giống Brunel, hắn cũng phản ứng y hệt khi nghe tin về bố tôi. Ý
nghĩ này khiến tôi không thể không phì cười. Bà gác cổng càng ngạc nhiên
hơn, mắt mở to thao láo. Bây giờ thì bà ta lại không giống Brunel nữa rồi.
Hắn ta biết giấu cảm xúc hơn, vừa trợn mắt xong đã kịp chớp mấy cái, rồi
nói ngay sang chuyện khác. Hắn thuộc giai cấp quí tộc.
Để bà gác cổng ngẩn ngơ ở cửa, tôi và Hanah vội vã ra bến tàu điện ngầm.
Trước mắt chúng tôi là chuyến đi rất dài, gần một nghìn cây số, có lẽ là
chuyến đi xa đầu tiên của Hanah, cũng là chuyến đi xa đầu tiên của tôi sau
hơn chục năm lên Paris sinh sống. Tôi chợt nghĩ tới cảm giác bất ổn mà cô
thiếu nữ Trung Hoa gây ra hôm qua.
Ngoài sân ga, tôi được biết là để đến X phải đổi một lần tàu ở Toulouse
nhưng chuyến tàu nhanh TGV cuối cùng vừa chuyển bánh được mấy phút.
Tôi hỏi có cách nào khác để đi ngay tối nay không. Người ta bảo phải đi tàu
chậm, đến Toulouse cỡ 1h sáng, sau đó đợi hai tiếng nữa để lên tàu khác đi
X, “thành phố nhỏ mà”. Tôi tặc lưỡi, bao giờ cái muộn này cũng kéo theo
cái muộn khác. Đợi đến sáng mai có tàu nhanh, biết đâu ngành đường sắt
lại đình công hoặc các vị cảnh sát chẳng phát hiện vài quả mìn nổ chậm
đang gài đâu đó trên gần một nghìn cây số đường ray. Hơn nữa, tôi cũng
không biết tìm chỗ nào mà qua đêm. Sang bên đường thuê một phòng
khách sạn thì vô lý quá mức.