kiến. Tôi lắc đầu liên tục, có cảm giác công việc của chưởng khế là biến
một đoạn văn đơn giản thành một văn bản càng rối rắm càng tốt. Đầu tiên,
người ta còn nhẫn nại giải thích, sau đó thì đồng ý để bố tôi trả lời hộ tôi
còn tôi chỉ phải kí tên và ghi mấy chữ “đã đọc, đồng ý”. Việc này thì tôi
làm được và làm rất nhanh. Bố tôi cũng kí tên và viết hệt như vậy. Người ta
bảo ổn rồi, bắt tay chúng tôi tiễn xuống tận cửa. Tôi thở phào. Thế là xong
một buổi chiều lượt thượt.
Sau đó, tôi không có dịp để gặp thêm một vị chưởng khế nào khác. Và tôi
cũng cho đó là một trong những may mắn hiếm hoi của mình.
Thấy tôi vẫn im lặng, mẹ kế hắng giọng rồi bảo nếu bà không nhầm thì
mấy hôm trước khi qua đời, bố tôi đã gọi điện cho chưởng khế để thay đổi
một số phần của di chúc, chính vì thế nên bà muốn bàn với tôi để tất cả
chúng tôi chút nữa sẽ không bị bất ngờ và nhanh chóng đi đến một “thỏa
thuận hợp tình” trước mặt chưởng khế.
Bà còn nói thêm nhiều thứ, khá vòng vo, đại loại bố tôi và bà vất vả lắm
mới có được căn nhà này, phải xây làm nhiều lần vì không đủ tiền, lãi suất
ngân hàng thời ấy rất cao, đó là kỉ niệm của cuộc hôn nhân giữa hai người
nên bà sẽ rất đau lòng khi phải rời xa nó, Mic cũng sinh ra và lớn lên tại
đây, thằng bé chưa bao giờ sống ở nơi nào khác quá một tuần. Trong vòng
một chục phút tai tôi bùng nhùng những từ “gắn bó”, “kỉ niệm”, “tuổi thơ”,
“hạnh phúc”... Cuối cùng, thấy tôi có vẻ vẫn chưa thủng vấn đề, bà nói
thẳng với tôi rằng theo di chúc của bố tôi, tôi cũng được hưởng một phần
căn nhà này, bà không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng bà mong tôi
“đừng bắt mẹ con bà phải chuyển khỏi đây”. Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe
bà nhắc lại câu này hai lần liền, luôn luôn bằng một giọng khá cứng. Và vì
bà luôn gọi tôi bằng “anh” (tôi cũng không phản đối cách gọi đó) nên câu
chuyện càng trở nên nghiêm trọng, chẳng giống gì thái độ niềm nở của bà
sáng nay.