Tôi chẳng có chuyện gì để kể cho nó. Nó cũng đang “bận ôn thi tốt
nghiệp”. Thế mà chúng tôi có cùng một họ, cùng một bố, và theo pháp luật
là anh em hẳn hoi. Bằng chứng là chúng tôi đang trên đường đi “mở di
chúc của bố”, như lời mẹ kế nói.
Chưởng khế lớn tuổi nhưng có vẻ vui tính hơn tôi tưởng, đeo kính và hói
đầu. Chào tôi xong cũng bảo “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm qua”.
Có lẽ cả thị trấn X đã gọi điện thông báo cho nhau và ai cũng thuộc lòng
cái câu khá vần đó. Cô y tá chắc là người nói đầu tiên. Tôi sẽ còn được
nghe liên tục cho mà xem.
Đúng như mẹ kế thông báo, cả tôi lẫn Hanah đều được bố tôi cho vào danh
sách thừa kế. Chưởng khế bảo bố tôi không những đòi viết lại di chúc mà
còn yêu cầu được tận mắt nhìn thấy di chúc mới. Chưởng khế phải gọi điện
về bắt thư kí sửa và in gấp hai bản mang đến bệnh viện. “Ông cụ cứng đầu
lắm”, chưởng khế nháy mắt với tôi.
Mic thì vẫn tỏ ra lạnh lùng như cũ nhưng mẹ kế bồn chồn ra mặt, chỉ muốn
chúng tôi mau mau đi vào vấn đề chính. Cuối cùng, bà bảo vì chiều tối phải
ghé nhà thờ để bàn với cha cố một số công việc liên quan đến tang lễ nên
nếu có thể, mong chưởng khế giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng
nhất. “Anh ấy còn phải về Paris đi làm và Mic cũng đang bận ôn thi tốt
nghiệp”, bà nhấn mạnh.
Chưởng khế có vẻ không đồng tình lắm: “mọi việc đều cần được giải quyết
có thứ tự”. Tôi không hiểu “mọi việc” ở đây có nghĩa là gì. Nếu hôm nay
mà chưa xong vụ này thì tôi còn được nghe mẹ kế khóc lóc thêm vài lần
nữa, hoặc có thể suốt cả đêm cũng nên. Tôi nói luôn với chưởng khế rằng
tôi và Hanah không nhận phần gia tài của chúng tôi. Chưởng khế tỏ ra rất
ngạc nhiên, đề nghị tôi giải thích lý do. Tôi suy nghĩ một lúc rồi bảo tôi
chẳng có lý do nào ngoài chuyện đã từ rất lâu không còn giữ quan hệ với
bố tôi. Chưởng khế nghe xong thì phá lên cười: “đó không thể coi là một lý
do, có nhiều trường hợp người thừa kế còn chưa từng gặp mặt kẻ để lại gia