của chưởng khế hôm qua nhưng bây giờ được nhắc lại một cách rầu rầu. Vị
kia cũng rầu rầu trả lời rằng làm gì ông ta không biết, thậm chí còn quen
thân với bà vợ, “tay đấy phá gia chi tử, bao nhiêu tài sản bố vợ để lại đều bị
nướng sạch vào gái gẩm và sòng bạc, chỗ bất động sản bị tịch thu cũng là
do thừa hưởng của mẹ vợ mới qua đời”. Chưởng khế nghe xong, rầu rầu
bảo: “quen nhiều người thế mà không dẫn tới văn phòng, đừng quên là
được phần trăm đấy nhé”. Vị kia rầu rầu phản ứng: “vẫn biết, nhưng đang
định dẫn đến thì nó vỡ nợ”. Đến đây tôi không nhịn nổi nữa nên quay mặt
vào tường. Mẹ kế nhíu mày không nói, còn Anna nhìn tôi chăm chú rồi
bảo: “cố cười một cái cho đỡ buồn”. Giọng đã rầu rầu lại pha thêm thổ âm
nên càng buồn cười. Hóa ra cô ta tưởng tôi buồn quá hóa lẩn thẩn. Tôi phải
xin lỗi “đi ra ngoài một chút”. Dù sao đây cũng là đám tang của bố
tôi. Đoàn người vẫn tiếp tục lại gần ôm hôn mẹ kế, bắt tay tôi, vỗ vai Mic
và xoa má Hanah. Cái câu “tiếc quá, ông ấy qua đời nửa đêm hôm kia”
không ngừng vang lên. Thỉnh thoảng ai đó không quên nhận xét về sự
giống nhau giữa tôi và người quá cố. Cũng bằng một giọng rầu rầu.
Nhân viên của lò thiêu lại gần thông báo gia đình có thể đến nhận tro. Khi
nói cám ơn với anh ta, tôi bỗng nhận ra rằng hình như giọng tôi cũng rầu
rầu chẳng kém những người đến dự.
Đốt xác kéo dài hai tiếng. Theo lời Anna thì đó là nhờ kỹ thuật phát triển,
chứ ngày trước còn lâu gấp đôi. Chuyện này không vội được. Có trường
hợp xương cứng quá, thịt đã cháy hết mà xương chưa thành tro. “Kiên nhẫn
nhé”, cô ta nói thầm vào tai tôi. Tôi gật đầu. Nhìn sang bên cạnh thấy Mic
đang gật gù. Mẹ kế thỉnh thoảng huých tay vào lườn nó, rồi lắc đầu nói với
ai đó đứng bên: “thằng bé đang bận ôn thi tốt nghiệp”.
Tôi không còn giữ kỉ niệm rõ ràng nào về đám tang của mẹ tôi. Hình như
tôi bị sốc lớn khi nhìn thấy bà nằm trong quan tài, khuôn mặt rúm ró vì cơn
đau vừa trải qua. Quan tài được đem chôn xuống đất chứ không cho vào lò
thiêu, trên nắp mộ có khắc hình bà thời trẻ nhưng thợ khắc quá vụng (tôi tự