Từ đầu đến cuối cuộc hội thoại chẳng có gì đáng nói. Em thì vào một buổi
chiều mùa hạ ghé thăm nhà của vị họa sĩ kia và vị ấy không có nhà. Nhưng
thể theo lời của phu nhân là ông ấy sắp về rồi đấy, anh hãy ngồi chờ chút
xem sao, nên em đã nán lại khoảng ba mươi phút đọc báo và tạp chí. Rồi
khi thấy vị họa sĩ không có vẻ quay về nên em đứng dậy cáo từ. Chuyện chỉ
có vậy thôi nhưng em đã yêu khổ sở đôi mắt của người ấy trong khoảnh
khắc ngày hôm đó.
Có thể gọi là “quý phái” cũng được chăng? Trong những kẻ quý tộc xung
quanh mình, em đoán chắc ngoài mẹ và người có đôi mắt biểu cảm “chính
trực” không chút đề phòng đó, thì không thể có người thứ ba đâu.
Sau đó, vào một buổi chiều mùa đông, em đã bị nét mặt nghiêng nghiêng
của nàng ta đánh quị hoàn toàn. Em đến nhà vị họa sĩ đó, làm khách của
ông ta, bỏ chân trong bàn sưởi kotatsu mà uống rượu từ sáng, rồi cùng cao
đàm khoát luận tán nhảm với ông ta về “những con người văn hóa của
nước Nhật”. Sau đó vị họa sĩ đổ người xuống nhà ngủ khì, ngáy to như
sấm; em cũng nằm nghiêng ngủ vật vờ. Từ trong cái chăn êm ái, em hé mắt
nhìn ra. Bầu trời chiều mùa đông Tokyo xanh ngắt, nàng ôm con gái ngồi
bên cửa sổ như chẳng để làm gì. Cái gương mặt nghiêng nghiêng đoan
chính với những đường nét thanh tú nổi bật lên nền trời, đẹp như một bức
tranh chân dung thời Phục Hưng. Nàng đã lén lấy chăn ấm đắp cho em. Sự
tử tế này không có một chút sắc khí, một chút dục tình nào cả. Ah, có thể sử
dụng từ “nhân đạo” trong trường hợp này chăng? Nàng đã hành động gần
như vô thức như lòng thông cảm đương nhiên của con người. Và im lặng
như một bức tranh, nàng ngồi đó và nhìn về phía xa xăm.
Chị à!
Em đến chơi nhà vị họa sĩ đó đầu tiên chỉ vì bị say nắng cái cách biểu hiện
đặc dị và cái cảm hứng nhiệt cuồng trong tác phẩm của ông ta. Nhưng rồi