thanh củi bắt lửa thôi mà” để an ủi tôi nhưng đúng như lời của cô con dâu
nhà Nishiyama nói, nếu như khi ấy có gió lớn thì cả cái thôn này có thể bị
thiêu rụi rồi. Lúc đó, tôi có chết cũng không đền hết tội. Nếu vậy thì chắc
mẹ cũng không sống nổi và tôi còn làm nhơ nhuốc thanh danh của người
cha đã mất. Tuy bây giờ chẳng còn là người của hoàng gia hay quý tộc gì
nữa, nhưng nếu như phải chết tôi cũng muốn chết một cách cao đẹp. Cái
kiểu chết bi thảm như gây hỏa hoạn rồi phải đền tội đó chắc sẽ khiến tôi
không thể nào nhắm mắt được. Từ giờ mình phải tỉnh táo và cẩn thận hơn.
Từ ngày hôm sau, tôi ráng sức làm việc đồng áng. Cô con gái nhà ông
Nakai thỉnh thoảng cũng chạy sang giúp đỡ tôi. Sau hành động đáng xấu hổ
như gây ra hỏa hoạn vừa rồi, tôi có cảm giác như máu trong người bị bầm
đen đi, và con rắn độc mamushi của lòng ác ý trong ngực tôi cũng đổi cả
màu máu nữa, dần dần tôi đã trở thành một người con gái làm ruộng quê
mùa. Khi ngồi đan áo cùng mẹ nơi hành lang, tôi cảm thấy tức ngực khó
thở, ngược lại, khi bước ra đồng và cày xới, tôi lại cảm thấy vui vẻ, sảng
khoái hơn.
Lao động chân tay, đối với tôi công việc sử dụng sức lực này không phải là
lần đầu tiên. Hồi còn chiến tranh, tôi bị trưng dụng để đi đào công sự. Bây
giờ đôi tất mà tôi mang đi làm vườn cũng là thứ mà quân đội cấp cho hồi
đó. Lần đầu tiên trong đời xỏ chân vào đôi bít tất dã chiến, tôi thấy vô cùng
sửng sốt vì sự êm ái của nó. Khi tôi mang đôi vớ này đi dạo quanh vườn,
ngực tôi râm ran niềm vui và có cảm giác như mình có thể hiểu được sự
khinh khoái của chim và thú khi chúng dạo bước trên mặt đất bằng đôi chân
trần. Đó là cái ký ức vui vẻ nhất trong thời chiến tranh. Bây giờ nghĩ lại,
chiến tranh thật là cái thứ vớ vẩn.
Năm ngoái đã chẳng có gì
Năm kia cũng vậy>