Năm kìa cũng thế thôi.
Bài thơ thú vị này được đăng trên một tờ báo ngay sau khi kết thúc chiến
tranh. Bây giờ nhớ lại tôi vừa có cảm giác có nhiều chuyện đã xảy ra, vừa
cảm thấy như chẳng có gì cả. Tôi ghét phải nghe người ta nói về ký ức
chiến tranh. Mặc dù đã có nhiều người chết thật đấy nhưng toàn là những
chuyện tầm thường, chán ngắt. Có lẽ đó chỉ là cảm nhận riêng của tôi
chăng? Chỉ có chuyện tôi bị chính phủ trưng dụng, mang tất của quân đội
và đi lao dịch là không cũ. Quả là một kỷ niệm đáng ghét nhưng cũng chính
nhờ vào việc đi lao dịch ấy mà cơ thể tôi trở nên rắn chắc hơn và ngay cả
bây giờ, mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi cứ nghĩ là mình đang
sống theo kiểu lao dịch vậy thôi.
Vào thời điểm chiến cục đang lâm vào bế tắc, có một thanh niên mặc quân
phục đến nhà khu Nishikata đưa thông báo trưng dụng và lịch trình lao
động cho tôi. Khi nhìn lịch trình, từ hôm sau cứ cách một ngày là tôi phải
vào tận sâu trong núi Tachigawa để lao động, tự nhiên nước mắt tôi ứa ra.
- Cho người đi thay có được không?
Không ngăn được nước mắt, tôi khóc thổn thức.
- Quân đội đã thông báo trưng dụng tiểu thư vì vậy nhất định phải đích thân
cô đi mới được.
Người thanh niên đó nhấn mạnh.
Tôi quyết tâm đi.>
Ngày hôm sau trời mưa. Chúng tôi được yêu cầu xếp hàng ở chân núi
Tachigawa, trước tiên là nghe bài diễn thuyết của sĩ quan chỉ huy: