- Chuyện đó thì mẹ cũng nghĩ là không thể đâu.
Lúc đó, vị tiên sinh này đang ở biệt trang Karuizawa nên tôi gửi thư từ tạ
về phía ấy. Khoảng hai ngày sau, khi thư chưa đến thì vị tiên sinh ấy trên
đường đi công cán ở vùng suối nước nóng Izu có ghé qua thăm chúng tôi
mà chưa biết gì về hồi đáp của tôi cả. Những người làm nghệ thuật, cho dù
tuổi tác lớn đến đâu đi nữa tôi vẫn có cảm tưởng họ đều ích kỷ như con nít
mà thôi.
Vì mẹ không được khỏe nên chỉ có mình tôi ra tiếp và mời tiên sinh uống trà
ở căn phòng khách bài trí theo kiểu Trung Hoa.
- Bức thư từ tạ của tôi chắc giờ đã đến nhà tiên sinh ở Karuizawa rồi đấy.
Tôi đã suy nghĩ kỹ càng rồi.
- Vậy sao?
Ông nói có vẻ gấp gáp và rút khăn lau mồ hôi.
- Tuy vậy, xin cô hãy suy nghĩ kỹ thêm lần nữa xem sao. Tôi với cô thì nói
sao nhỉ, có thể tôi không mang đến hạnh phúc tinh thần cho cô nhưng về
vật chất, tôi có thể làm được. Có thể nói rõ ràng như vậy. Có lẽ là quá
thẳng thừng nhưng...
- Lời ông nói về hạnh phúc tôi không hiểu lắm. Tuy có vẻ thất lễ nhưng tôi
xin được nói điều này. Trong bức thư gửi cho vợ, Chekhov đã viết “hãy sinh
con đi, hãy sinh đứa con của chúng ta đi” có phải không ạ? Trong tiểu luận
của Nietzche cũng có đoạn nói về một người phụ nữ muốn sinh con. Tôi chỉ
muốn một đứa con thôi. Còn cái gọ hạnh phúc thì sao cũng được. Tôi cũng
muốn tiền bạc nữa nhưng nếu số tiền đó đủ để nuôi con thì đối với tôi là
quá nhiều rồi.