Quách Trác, Tiết Oánh, Đằng Tu cùng con em là Hỉ, Kháng, có người trong
sạch chăm chỉ, có người tài năng cao siêu, đều là cốt cán của xã tắc, quan
giỏi của nhà nước. Mong Bệ hạ coi trọng lời trung trinh, hỏi việc nơi họ,
đều khiến cho họ dốc hết lòng trung, cứu giúp lúc nguy khó”. Rồi chết, bấy
giờ bảy mươi hai tuổi.
Con là Y, lúc đầu làm Hoàng môn Thị lang, ra lĩnh bộ khúc, bái Thiên
Tướng quân. Sau khi Khải chết, vào làm Thái tử Trung thứ tử. Hữu quốc sử
Hoa Hạch tiển cử Y nói: “Tính Y vốn thẳng thắn, chí khí vững vàng, có tài
thống lĩnh, dẫu Lỗ Túc cũng không hơn được. Lúc nhận chiếu gọi về, đi
thẳng đến kinh sư theo đường Vũ Xương, từng không ngoảnh lại, đồ quân
tư khí giới, chẳng lấy một cây, trong quân cứng cỏi, có khí tiết nhường tiền
của. Hạ Khẩu là chỗ hiểm yếu của giặc, nên chọn tướng giỏi để chống giữ
chỗ ấy. Thần suy nghĩ kĩ, chẳng ai giỏi hơn Y”.
Lúc trước, Hạo thường ôm giận vì Khải nhiều lần tự ý nhìn mặt mình, lại
thêm Hà Định gièm pha không phải một lần, đã làm bầy tôi quan trọng, khó
lấy phép cấm ràng buộc được, lại nữa bấy giờ Lục Kháng làm Đại tướng ở
biên giới, cho nên giữ ý nhẫn nhịn. Sau khi Kháng chết, bèn dời người nhà
Khải đến ở quận Kiến An.
Có người nói tháng mười hai năm Bảo Đỉnh thứ nhất, Khải mưu với Đại
Tư mã Đinh Phụng, Ngự sử Đại phu Đinh Cố, nhân lúc Hạo đến tông miếu,
muốn phế Hạo mà lập con của Tôn Hưu. Bấy giờ Tả Tướng quân Lưu Bình
đem quân đi trước, bèn nói ngầm với Bình, Bình chống lại không theo,
nhưng thề không tiết lộ chuyện này, do đó mưu kế không thành. Thái sử
lang Trần Miêu tấu với Hạo là trời lâu ngày không có mưa, khí gió thổi
ngược, sắp có mưu ngầm, do đó Hạo lo sợ mà cảnh giác vậy.
Ngô lục viết: Lúc trước cúng tế ở tông miếu, chọn người Đại Tướng
quân lĩnh ba nghìn quân làm quân vệ, Khải muốn dựa vào quân ấy để bắt
Hạo, sai quan Tuyển tào bẩm là nên dùng Đinh Phụng. Hạo chợt không
muốn, nói: “Đổi chọn”. Khải sai theo lệnh, dẫu tạm bỏ, nhưng nên sai
người lĩnh quân ấy. Hạo nói: “Dùng Lưu Bình”. Khải sai con là Y báo mưu
cho Bình. Bình vốn hiềm khích với Đinh Phụng, Y chưa kịp báo ý của Khải,