đất cũng là nước, là không khí. Tầng ozon phía trên che chở cho chúng ta, ngăn
những tia phóng xạ độc hại đi vào trong trái đất. Đất Mẹ chở che, nuôi dưỡng và trị
liệu.
Trong khi đi thiền chúng ta có thể đạt tới những cái thấy rất sâu. Nhìn vào Đất
Mẹ, ta thấy Đất Mẹ chứa cả tam thiên đại thiên thế giới, có cả vũ trụ trong Đất Mẹ.
Các nhà khoa học cũng có thể đóng góp cho cái thấy đó, tại vì họ có một vài ý niệm
về sự hình thành của trái đất. Họ biết rằng trái đất được làm bằng những yếu tố
không phải đất, cũng như một bông hoa được làm bằng những yếu tố không phải
hoa. Các hành tinh khác cũng đã gửi tới cho chúng ta những đóng góp. Hành tinh
đất cũng là một bông hoa rất đẹp được làm bằng những yếu tố không phải địa cầu.
Nhìn vào hành tinh Đất Mẹ, ta thấy được cả vũ trụ. Nhìn vào bông hoa, ta cũng thấy
cả vũ trụ trong đó như đám mây, mặt trời, v.v... Khi bước chân trên trái đất, ta thấy
Đất Mẹ đang có mặt trong ta. Ta và Đất Mẹ không phải là hai thực tại tách lìa nhau.
Đi tìm Chân-Thiện-Mỹ
Trong tôn giáo, người ta thường tìm một thần linh, và cần phải có đức tin đối với
vị thần linh đó. Đối tượng của niềm tin, cố nhiên phải là một cái gì rất đẹp, rất lành
và có quyền lực. Trong khi đau khổ, chúng ta cần tới một cái gì đẹp, lành và có uy
lực để giúp ta thoát khỏi khổ đau.
Khi niệm Bụt Thích Ca, chúng ta có nhận thức rằng Bụt Thích Ca là một người
có trí tuệ lớn, có khả năng chỉ đường, soi sáng cho chúng ta. Nếu không tin như
vậy, thì ta đã không lạy Đức Thích Ca. Khi lạy trước Đức Thích Ca, chúng ta tin rằng
Đức Thích Ca có lòng nhân từ, có đại bi, có tình thương lớn. Vì ta đang đau khổ, ta
cần tình thương mà ta không có đủ trí tuệ và tình thương nên phải đi kiếm tìm ở
một nơi khác. Có tình thương và trí tuệ là có chân, thiện, mỹ. Chân là sự thật, là tuệ
giác. Thiện là tình thương, là từ bi và mỹ là cái đẹp. Chân, thiện và mỹ đi chung với
nhau. Và đó là đối tượng của tôn giáo, của niềm tin.
Trong chúng ta cũng có một ít chân, một ít thiện và một ít mỹ; nhưng không đủ
để làm cho ta hạnh phúc. Chúng ta không biết cách làm cho chân, thiện, mỹ trong
ta lớn lên, và chúng ta đi cầu xin ở một đấng nào đó. Trong trường hợp của Đức
Thích Ca, Ngài không phải là một đấng thần linh như ta tưởng tượng, mà là một
con người có thật trong lịch sử. Ngài đã từng đi qua khổ đau, đã từng tu tập, chuyển
hóa và giúp người bớt khổ. Những tư liệu đã ghi lại cho chúng ta biết tuệ giác, tình
thương và cái đẹp của Ngài như thế nào. Vì vậy, đức tin của người Phật tử có tính
cách cụ thể, và chúng ta có thể tiếp xúc được với đối tượng của đức tin. Tuy hình hài
ngày xưa của Sakyamuni không còn nữa, nhưng trí tuệ, tình thương và cái đẹp của
Ngài vẫn còn được tiếp tục dưới những hình thức mới. Đám mây không còn trên
http://tieulun.hopto.org