hơn. Lần gần nhất Nhu lẻn vô chiêm bao khoe cánh tay xăm ba chữ “hận
mụt măng”. Tỉnh dậy, em suy đoán trên thân xác Nhu có một bụi tre.
Đàn bà ở xóm Lung hình như ai cũng lấn bấn với người thân xiêu lạc.
Mẹ chồng kể hồi đi lấy cốt ba chồng, mẹ cứ khăng khăng với đám thợ đào
bới là mất khúc xương giữa hai đùi, “tôi đếm kỹ rồi, còn thiếu khúc đó”.
Em cười đến chảy nước mắt. Mẹ lấy ba khi mới mười sáu tuổi, khờ căm,
vẫn nghĩ sinh con từ bên hông. Ba bị pháo dập nằm ở miệt Trảng Bom, mẹ
chưa kịp gần gũi đàn ông khác, nên không biết cái đoạn xương ấy chỉ là
mẫu sụn thỉnh thoảng huênh hoang ta đây dũng mãnh.
Nghĩ, mẫu giữa hai ngón chân cái Nhu chắc thành đất lâu rồi. Nhớ thân
thể Nhu và những va chạm vừa hoảng loạn vừa bổi hổi, vừa xa xôi vừa máu
thịt, cảm giác đó em không tìm lại được ở chồng. Nên nhiều khi tiếc đến
chảy nước mắt ra chớ không phải vừa. Rắn rỏi, chắc nụi, Nhu đã làm em tê
mê ú ớ, ngay lần đầu tiên của hai đứa. Thích quá chừng. Hồi chưa có tin
báo Nhu bị vùi đâu đó ở bãi vàng, em cứ nghĩ mai kia Nhu về, lại ôm nhau
ấy nhẩn ấy nha vào nhẩn ra nha lên nhẩn xuống nha bù cho đêm nào vội vã.
Em nhớ đầu gối Nhu bị xước khi quỳ trên nền đất cứng đanh. Nhớ tấm lưng
Nhu hay đưa cho em gãi, xuýt xoa khen đã ngứa quá. Gương mặt xương có
đôi môi dày, và mớ tóc cháy nắng cứng đờ khi gại trên ngực em làm em kêu
nhột… dần rã đi ở nơi nào đó, những ý nghĩ ấy gợi cho em nỗi tuyệt vọng
âm thầm.
Nhưng em không cho mình cái quyền được quên. Cảm giác em nói rằng
Nhu đang ở bên mình. Kệ em đã là mẹ của hai con vợ của ông chồng hiền
lành cộc tính, Nhu luôn chứng tỏ sự có mặt của mình bằng cái mùi giấm
bâng quơ, mà nói thiệt, có thanh thoát lãng mạn gì cho cam, nó cứ chua lè
chua loét. Trong mớ vũ khí mà Nhu vẫn thường tấn công vào những lúc em
chập chờn nửa mê nửa ngủ, chỉ có hoa bần là mát lành nhất, nhưng cũng
mỏng manh nhất. Nhu cần thứ gì đó xộc thẳng vào tim óc em, để cái nhớ
phải nhảy dựng lên, chong lên ý nghĩ tìm Nhu, phải tìm Nhu.