chúng đã mọc cánh bay đi. Anh vẫn thấy mặt mình khi đi ngang qua tấm
kiếng trên cánh cửa tủ, và chị vợ anh dù ngái ngủ vẫn hỏi nhậu về sao thấy
buồn xo vậy? Chó Tiểu Phù xoay tròn khuấy đuôi mừng, và sáng hôm sau
khi tới gần chuồng chim cu gáy nó vẫn gục gặc gáy chào. Riêng có đứa con
gái nghĩ anh không còn mặt nữa.
Chỉ còn đâu đây cái thân người dềnh dàng của anh mà mỗi sáng đứa con
gái phải lách qua nếu muốn đi vào bếp. Nhà hẹp, đôi khi vẫn còn những va
chạm để anh tin rằng mình vẫn còn một phần cơ thể. Chỉ mặt là vô tăm tích.
Con nhỏ không còn ríu ran ba ba con con. Mái tóc dài mà anh rất ưa nó đã
xén trụi đi, ống quần jeans cũng bị xén lửng lơ trên đầu gối, và công cuộc
xén bắt đầu lân la đến áo. Dắt xe ra cửa nó chỉ chào thưa mẹ con đi. Nó
không nhìn anh, nếu có thì ánh nhìn xa như anh đang tàng hình, cuối điểm
nhìn là đâu đó sau gáy anh. Tấm hình cả nhà chụp chung trước vẫn đặt trên
bàn học giờ úp mặt trong xó tủ, chung với những món đồ mà anh đã tự tay
mua cho con nhỏ. Lá rụng nghẹt ống nước máng xối, tự nó trèo lên thông
dù anh cũng đang quanh quẩn trong nhà. Trong vốn liếng ngôn ngữ tiếng
Việt lẫn tiếng Anh học ở trường lẫn tiếng Nam Hàn học trong phim nhiều
tập của con nhỏ bay mất chữ ba, hay papa hay appa.
Thỉnh thoảng nghe một giọng nói lanh lảnh cất lên từ nhà ngoài "ông lão
ơi, cái quần cộc của ông rách rồi, "lù coi" cho coi", "Ngố mua cái bàn chải
đánh răng mới rồi đó, màu xanh dương, ông lão nhớ lấy xài nghen...", anh
biết mình vừa ảo giác. Một thứ ảo giác khiến người ta muốn rơi nước mắt,
muốn cầm giữ mãi, muốn chìm vào đó.
Vợ anh hỏi hai cha con có chuyện gì, mặt dúi dụi vào cuốn giáo án năm
nào cũng ngồi chép đi chép lại. Chị bận rộn vật lộn với đám học trò, với
những cơn hen cấp từ trước khi sinh, không hay gần gũi với con bé vì hay
mệt. Nhưng chị cũng nhận thấy không khí trong nhà sánh đặc. Anh cố cười
bảo có chuyện gì đâu, cố nhớ lần gần nhất vợ nhìn thẳng vào mặt mình là
lúc nào. Có phải chị cũng nghĩ là anh đã đánh rơi mất mặt? Chị, chó Tiểu