lược, sai một đứa tin cậy đi làm cái xét nghiệm huyết thống. Ông dặn “đừng
để em bây biết”, sợ đứa nhỏ bị tổn thương, mặc dù không có dấu hiệu nào
cho thấy nó dễ tổn thương, kể cả khi khoét đi chút thịt.
Hai ngày gặp lại cha, nó săm soi mọi thứ trong nhà, không phải bằng
mắt, mà còn ngọ nguậy đôi tay. Thằng cháu nội của anh Hai vừa đầy tháng,
đứa nhỏ gặp lần nào cũng tóm lấy da thịt trẻ con, chùm da bọc bi giữa hai
đùi mà dục dặc. Người ta nhắc những kỷ niệm hồi nhỏ, nó nói có vụ đó sao,
nhớ chi cho mệt. Phủi nhanh đến nỗi kẻ hâm nóng ký ức hơi bẽ bàng. Họ
đắng lên lưỡi bụi lên mắt khi thấy nó dễ dàng thừa nhận anh Hai hói nửa
đầu, chị Ba đã làm bà ngoại, chị Tư lấy chồng sau - một anh người Lào. Cả
khi được đưa đi thăm anh Năm tu trong chùa, nó thản nhiên đòi vô phòng
anh nằm chơi cho biết. Cả nhà cảm thấy bị phản bội bởi ý nghĩ, từng ấy
ngày xa nhà, nó không nuôi dưỡng nỗi nhớ nào, nên giờ dửng dưng trước
đổi thay. Căn phòng kê dọc mấy cái giường như trại lính đã biến mất,
những thanh ray nằm sâu dưới ba lớp nhựa đường, mớ vật dụng của đứa
nhỏ mà bà mẹ còn giữ lại một bữa thành tro theo đám cháy.
Đôi khi đứa nhỏ bâng khuâng, chỉ vì cái còi mụn trên cánh mũi chưa
chịu khuất phục. Nó vẫn chang chói đi qua những ngày tiệc tùng. Người
quen với gia đình lớp điện thoại lớp tới tận nhà để mừng giọt máu chảy
ngược về, ai cũng chung nỗi sợ yêu lầm, “có chắc là con Diệu không đó?”.
Một lần chị Tư đã nghĩ đó chính là đứa em thơ dại của mình, khi nó kêu
oai oái một tay nút vào cánh mũi, mặt ngước lên trời, tay kia quờ quạng dò
đường đi. Xưa nó hay chảy máu cam chẳng vì lý do gì. Nhưng nó chỉ đi
cùng chiều thời gian với chị một khoảnh khắc thôi, vì ngay lập tức nó đã
chụp được cây kéo làm bếp, cắt phăng chòm lông mũi. Nhìn điệu bộ hí
hửng của nó khi giải tán những sợi phiền, như khi mua được ly đá bào vừa
đi vừa húp, chị nghĩ hai mươi mấy năm qua đứa em gái đã đi quá xa.
Trong lúc mọi người phân trần chuyện họ không giữ được hiện trạng cái
nhà kiêm tiệm sửa đồng hồ bên đường tàu để chờ đợi nó quay lại, chuyện