Nhà hàng Lựu Đỏ và hiệu sách Hoang Đường của Đỗ Xuân Hiểu khác
nhau một trời một vực. Cái trước sạch sẽ đến nỗi trên kính cửa sổ không có
lấy một dấu vân tay, trên cốc cà phê bằng sứ xương phát sáng lờ mờ, từ
máy chọn đĩa hát ở bên cạnh quầy bar đang vọng ra thứ nhạc jazz đẹp da
diết, một người đàn ông vẻ mặt dịu dàng đang rán một miếng thịt bít tết, từ
chiếc chảo đáy bằng phát ra những tiếng xì xèo mê hồn, khuy măng sét
bằng đá mặt trăng trên áo sơ mi trắng giản dị mà tao nhã. Cái sau thì vừa
bừa vừa bẩn, quệt qua giá sách nào cũng vét được cả đống bụi, sân nhà chỉ
quét tước qua loa, xộc lên mùi khó ngửi của giẻ lau, Đỗ Xuân Hiểu thường
ngậm bàn chải đánh răng trong miệng đứng dựa cửa, cằn nhằn chuyện bánh
to bánh bé với ông chủ sạp bánh nướng.
Nhưng...
Nhà hàng này lại khiến anh liên tưởng đến hiệu sách của Đỗ Xuân Hiểu,
bản thân anh cũng lấy làm ngạc nhiên. Vì không hiểu sao, hai nơi này đều
có chung một kiểu thần thái, ví dụ sau khi bước vào cửa nhà hàng, nếu
quay bên sẽ trông thấy phía trên khung cửa có đóng một khúc gỗ to, bên
trên bày một hàng nến tròn đã cháy tàn, một con vẹt giả trông y như thật
đậu tít mé phải, trên quầy bar treo tầm mười cái chân giò hun khói cứng đơ
đơ, lộ ra khớp thịt săn chắc được ướp ngả hỗng. Những nơi độc đáo thế
này, thoắt chốc kéo tâm trí Hạ Băng về với hiệu sách Hoang Đường, ở đó
cũng đặt một con vẹt giả không bao giờ được khách khứa chú ý đến trên
một góc khung cửa cực kỳ không bắt mắt, nghe nói là đồ quý mang về từ
London, chắc hàng năm trời không hề được lau rửa, bẩn đến nỗi đen kịt lại;
Đỗ Xuân Hiểu cũng thường mua chân giò hun khói Kim Hoa ướp vàng như
nghệ, sau khi cắt lát đem rửa cho bớt vị muối, xào lên với mỡ rồi ăn cùng
táo.
Người đàn ông ở sau quầy bar, không đến nỗi anh tuấn ngời ngời, bộ râu
quai nón mờ mờ tỉa tót khá kỹ, lông mi vàng khiến đường nét hai mắt trông
càng sâu thêm, mái tóc hơi xoăn mềm mại buông rủ hai bên thái dương. Ở