chiều, chàng lại thơ thẩn đi chơi một mình, hoặc đứng bên bờ sông nhìn dòng
nước nao nao, hoặc đứng trước nghĩa địa ngắm nấm đất cao thấp. Chỉ có bờ
sông, chỉ có nghĩa địa là chàng thấy hợp cái tâm sự đen tối, u uất, lạnh lùng
của chàng mà thôi, mà đối với cái cảnh nó du dương cơn sầu man mác, chàng
thấy nhẹ nhàng dễ chịu lắm.
Một hôm chủ nhật, Điệp nhớ nhà quá, buổi chiều tỉa lan xong, mới vơ vẩn
đi ra chơi chỗ mọi khi. Một dải sương trắng đục ngùi ngùi bốc lên cạnh rặng
tre gió bấc căm căm, vi vút thổi như rên rỉ trong tầng lá, chàng nhìn về đằng
đông, chỗ phía làng Văn Ngoại, mây trời mù mịt, cảnh tình khơi nhắc tấm
lòng thần hôn. Chàng đứng thừ đến tận lúc tối sập mới trở ra về, thì đi nửa
đường, chàng gặp ngay người lý trưởng ở quê chàng lên tỉnh có việc.
Thôi thì mừng mừng tủi tủi, chẳng thân cũng như được sống lại, khác nào
như cây cỏ đại hạn gặp tuần mưa! Từ ngày lấy vợ, đến tận hôm nay chàng
mới thấy mặt một người mà chàng không ghét nên chàng giữ lại đứng bên
gốc cây, nói chuyện mãi không muốn dứt.
Chàng hỏi thăm tin nhà, biết mẹ và ông Tú vẫn bình yên, lấy làm mừng
lắm. Rồi người lý trưởng lắc đầu, ngậm ngùi nói:
- Bà thì ế hàng lắm, cậu ạ, mà cứ hỏi thăm hôm nào là chủ nhật, thì bà lại
nghỉ buổi chợ, vì bà cứ tưởng cậu về chơi. Ông Tủ vẫn đi lại đằng nhà thân
như trước, nhưng từ ngày cô Lan bỏ nhà mà đi, ông Tú buồn quá. Bà cũng
ngơ ngẩn cả người, nhất là mong cậu về mà không thấy. Mấy hôm đầu, ông
Tú phát ốm, nhưng rồi ông cố gượng đi tìm cô Lan, song dò la mãi cũng
chẳng thấy tin tức gì cả. Có người đoán cô vì phẫn chí mà đi tự tử, có người
đoán cô cắt tóc đi tu rồì, nhưng không lấy gì làm đích xác.
Điệp ngẩn ra nghe, trong bụng nao nao; cái hình ảnh Lan, cái nỗi khổ tâm
của mẹ chàng và ông Tú lại như diễn ra trước mắt, chàng thở dài. Người lý
trưởng nói tiếp: