- Nhưng mãi đến hôm kia, có người đến chơi với ông Tú nói chuyện rằng
trong cái chùa gì về vùng Bắc Giang, mới có người con gái đến xin ở trong
một tháng. Ông Tú lập tức đến tận nơi, hỏi thăm những người trong chùa, thì
không biết có phải cô Lan hay không vì không được giáp mặt, nhưng cứ như
người ta tả hình dung, thì đích là cô Lan, không còn sai nữa, song chỉ còn ngợ
một điều là sao cô Lan mà người ta lại bảo đến ba mươi tuổi, và hay cầm con
dao tây sáu lưỡi có cái dây sắt để khóc. Phải, cô Lan đâu lại già thế, mà ông
Tú bảo cô ấy làm gì có con dao ấy bao giờ?
Điệp cảm động quá, không thể cầm được nước mắt, nức nở, khóc, nói:
- Đích là Lan rồi! Trời ơi! Thảm thiết thế này ư!
Người lý trưởng tìm lời an ủi Điệp rồi hỏi:
- Sao cậu mợ không đón bà lên đây mà ở cho vui có được không?
Câu nói vô tình Điệp nghe như thắt ruột, bèn chẳng giấu diếm gì, chàng
kể cả cho người làng nghe cái cách cư xử của ông Chánh án, nhưng dặn giấu
đừng nói với mẹ. Chuyện trò được một lúc nữa thì kèn tám giờ nổi hiệu làm
cho Điệp sực nhớ phải về ăn cơm, chàng bèn hỏi thăm chỗ trọ của người lý
trưởng để hôm sau ra chơi. Người ấy dặn Điệp và bảo:
- Cậu có gởi tiền về đỡ bà, thì đưa tôi mang cho một thể.
Lại như bị một phát đạn đưa thẳng vào trái tim, Điệp lặng đi không trả lời
được nữa.
Chàng lấy làm xấu hổ, nhục nhã với người lý trưởng quá, vì chàng lĩnh
lương về, có được giữ đồng tiền nào đâu! Được bao nhiêu, Thuý Liễu lấy mất
cả rồi, mà hàng ngày tiêu vặt, chàng vẫn phải ngửa tay xin vợ! Hiện nay
trong túi chàng không có lấy một trinh! Chàng vẫn định cuối tháng này thì
gởi tiền về nhà, nhưng cái tập giấy bạc mà nhà nước trả công cho chàng, thì