không tỏ ra một ý gì là ngờ vực, nhưng cứ đến tối, thì chàng định bụng không
cho Thuý Liễu được gặp trước khi đi ngủ bao giờ.
Tôi nào Điệp cũng giả vờ xem sách hoặc bận bịu công việc ở nhà ngoài
đến tận khuya, liệu chừng Thuý Liễu ngủ rồi, chàng mới vào buồng, mà động
đặt mình là giả cách ngủ ngay lập tức. Cũng có hôm Thuý Liễu thức khuya
chờ chồng, nhưng ít khi thôi, vì Thuý Liễu chịu ăn chịu ngủ lắm, mà gặp phải
cái đêm bất ngờ ấy, thì Điệp nhăn nhó kêu đau bụng, hoặc ôm đầu kêu rức,
rồi nằm xuống ngáy khò khò.
Thấy thái độ lạ lùng của chồng, Thuý Liễu không hiểu ra sao, nhưng chắc
lấy làm khó chịu lắm. Hẳn Thuý Liễu cũng có thể đoán phỏng được là chồng
biết cái tội mình, nhưng chẳng lẽ lạy ông tôi ở bụi này, ngượng quá!
Nhưng mà, một tháng, rồi hai tháng, rồi lại đến ba tháng, tuy Thuý Liễu
chẳng lạy ông tôi ở bụi này, nhưng cái thai nó vẫn lạy ông tôi ở “bụng” này,
mỗi ngày một rõ. Thấy cái bụng căng thì Điệp đối với vợ càng tủi, càng nhục,
càng căm, càng hờn, mà Thuý Liễu cũng đối với chồng càng căm, càng hờn,
càng tủi, càng nhục. Cứ thế rồi hai người thành ra ngấm ngầm mà chán nhau,
mà ghét nhau, mà thù nhau. Chứ người ngoài thấy vợ Điệp có mang, thì họ
mừng và khen:
- Mợ ấy mắn lắm nhỉ!
Nhưng ai rõ chuyện hơn lại thì thào:
- Cậu mợ ấy đi lại với nhau từ ngày quan còn ở phủ kia mà!
Bà Cử ở nhà chờ con về, hết chủ nhật này sang chủ nhật khác, nhưng
phương trời thăm thẳm, thư thường tới người không thấy tới, nỗi nhớ nhung
như hun đúc tấm can tràng. Song Điệp được đi làm, được ở trong dinh với
ông Chánh án, được ông dạy bảo bênh vực cho, thì bà rất yên lòng mà chịu