một mình ở nhà làm ăn vất vả.
Hôm ba mươi tết, là ngày Điệp báo tin được nghỉ sẽ về, bà dậy từ tan
canh, mong mỏi từng phút. Bà chờ cơm sáng đến tận giữa trưa; không thấy
con và dâu về, bà nóng ruột quá nên ăn vội xong, bà cắp nón ra chợ Gỏi đứng
ở gốc đa, ngóng từng chuyến ô tô một.
Đến tận chiều sẩm, hai vợ chồng Điệp mới về tới nơi. Bà Cử mừng cuống
lên, chạy ra xe đón và hớn hở xách va ly hộ. Bà thấy Điệp gầy gò hơn trước
thì chỉ biết thương con làm lụng nhọc nhằn, nào bà có hay đâu rằng Điệp đă
phải đầy đọa tâm hồn nên xác thịt phải kém sút. Bà lại thấy con dâu có mang
thì càng mừng, mừng rằng nhà có phúc được con độc sinh cháu đàn, nhưng
nào biết đâu cái thai của Thuý Liễu chỉ là vốn riêng của nàng đem về nhà
chồng ìàm của hồi môn!
Thuý Liễu đã chán chồng, đã ghét chồng, đã thù chồng, nay lại trông thấy
mẹ chồng nhà quê quá, ăn mặc như con vú, thì lại xấu hổ. Cho nên vừa bước
chân xuống xe ô tô, Thuý Liễu thấy một người tồi tàn chạy ra đón mà mình
phải gọi là đẻ, thì phát ngượng với khách qua đường.
Hai tình đã khác nhau, mà hai cảnh lại tương phản, nên Thuý Liễu khó
chịu bội phần, nhất là mẹ chồng ăn nói hỏi han những câu cục mịch, thì cái
tính khinh người là cái tính thông thường của phần nhiều các vị tiểu thư,
Thủy Liễu lại đem về mà điểm vào tinh thần những câu đối đáp với bà Cử.
Thuý Liễu phải đi bộ từ chỗ xuống xe đến tận nhà, tuy không xa, nhưng
lấy làm bực dọc quá. Tới nơi, nàng vào trong nhà, lại càng thấy chán ngán.
Hôm cưới, lạ nước lạ non, nàng không dám nhận kỹ từng tí, vả những đồ đạc,
thức trang hoàng, mượn đâu phải trả đấy, nay chỉ còn trơ xác nhà tranh lụp
xụp, trong kê vài cái phản gỗ mà thôi! Thuý Liễu ở nhà ngói quen đi rồi, nay
chịu thế nào được? Nàng tủi thân, sao mình con nhà quan giầu có, sang trọng
hẳn hoi, mà lúc xuất giá thì chồng chẳng ra chồng, mẹ chồng chẳng ra mẹ