bà Cử đến tận nơi, nhưng Lan tránh mặt không ra, lại dặn những người trong
chùa nói dối là không có.
Trong mấy ngày nghỉ ở nhà. Điệp có sang ông Tú vài lần. Nhưng nhà ông
Tú vắng Lan, nó như cái nhà không hồn, cái nhà có người chết lạnh lẽo vậy.
Chán ngắt! Trông ông Tú lúc nào cũng ngơ ngẩn buồn rầu và có vẻ già hơn
trước, thì Điệp lại nhớ Lan. Nhất là chàng nhìn lại chỗ cột hiên mọi bận Lan
trông chàng, trong buồng mọi bận Lan ngấp nghé ra, thằng Xuân, em bé Lan,
vì không có Lan mà tết này mặc áo cú, cái cơi trầu, cái hộp lược, đến nay
không có ai người chủ trương. Nhưng từng ấy cái chưa làm cho chàng đau
lòng lắm bằng cái ảnh Lan! Chàng liếc nhìn lên ảnh, tinh thần còn đậm, nhan
sắc đang tươi, lại nhắc cho chàng nhớ tới xiết bao ân tình. Cứ động chàng
thấy mặt Lan ở ảnh thì như bị lay động lớp sóng lòng nhưng chàng cứ thích
đưa mắt lên, để được tưởng nhớ đến người yêu, để được ôn lại những cái kỷ
niệm của thời kỳ dĩ vãng đáng tiếc.
Chiều mồng ba tết Điệp phải từ giã mẹ và phải chào ông Tú lên tỉnh làm
việc.
Đang ở vào giữa cảnh gia đình xiết bao thân yêu âu yếm, chàng từ nay lại
phải trông thấy những mặt hằn thù, sinh ra chán nản công việc.
Đối với Thuý Liễu, chàng vẫn lãnh đạm như ngày chưa cưới. Có chồng
mà cũng như không, không chồng mà cái bụng mỗi ngày một nghễu nghện,
Thuý Liễu không chịu được đau khổ, một hôm nàng kể lể hết với mẹ rồi
khóc.
Vốn trước ông bà Chánh án biết là cô con gái quí có mang, nên cho Điệp
vào ngủ với Thuý Liễu và vội ép gả cho chàng để che mắt thế gian và lừa
chàng, tưởng công việc thế là êm, là hết bổn phận làm cha mẹ, chứ có ngờ
đâu. Điệp lại tinh quái đến thế này, nên căm tức lắm, mới gọi chàng ra mắng
một trận tàn nhẫn.