- Chú ấy quí con dao sao lại đem chôn nó đi.
- Tại chú ấy bảo không muốn nom thấy nó nữa.
- Thế sao bà không đào lên lấy con dao ấy mà dùng.
- Ai lại chơi ác thế, trêu cho người ta khóc thì mình được ích gì? Vả ngày
nào chú ấy không ra thăm một lượt.
- Chú ấy thăm vào lúc nào?
- Vào chính ngọ, vì chú ấy bảo là lúc chú ấy đã phải trông thấy một cảnh
đau đớn nhất đời chú ấy.
Điệp ngẩn người, sực nhớ ra là lúc đám cưới mình đi đến đầu làng thì
chuông đồng hồ nhà thờ làng bên cạnh vừa bắt đầu inh ỏi đánh. Hẳn là Lan
đứng nhìn lũ xe ô tô thì đau khổ quá, nên mới phẫn thân mà đi hẳn thôi.
Nhưng Điệp bỗng nhớ rằng ông Tú nói chuyện Lan bỏ nhà lúc mười hai giờ,
thì có lẽ Lan mới bắt đầu đi đã gặp đám cưới đến. Thế thì thương hại cho Lan
quá! Hẳn là Lan muốn đi, để đoàn ô tô cưới đến nơi tránh được nỗi gai mắt,
nhưng ngờ đâu Lan đi muộn quá. Điệp rơm rớm nước mắt hỏi bà Hộ:
- Chú ấy có chăm chỉ làm lụng không, hở bà?
- Trước thì chú ấy buồn và khóc luôn, nhưng cụ tôi khuyên dỗ, và giảng
giải mãi, bắt chú ấy học kinh: từ khi chú ấy chôn con dao và con bướm, chú
ấy thôi không khóc nữa, mà chăm chỉ làm ăn. Cụ tôi yêu chú ấy lắm, chú ấy
ăn ở tử tế quá, ông ạ. Thôi nhưng ông giữ tôi ở đây đến bao giờ.
- Khoan! Nhờ bà làm phúc nói với chú ấy rằng có một người tên là Điệp
đến thăm chú ấy.
- Tôi chịu thôi, lỡ chú ấy giầy vò tôi thì làm thế nào, vì chú ấy dặn tôi