giấu, nay tôi lại nói chuyện với ông, rồi chú ấy biết lại cho tôi là người bép
xép. Chú ấy không tiếp ai đâu ông ạ.
- Nhưng chú ấy tiếp tôi, bởi vì chính tôi là người thân của chú ấy nhất đời!
- Thôi, tôi không nói đâu. Ông cứ ra cổng trước mà giật chuông, rồi tôi
bảo chú ấy ra mở cổng thì ông sẽ được gặp.
Điệp cảm ơn bà Hộ, rồi đi, vừa đi vừa nghĩ nông nỗi mà quí bụng Lan bội
phần! Chàng đến một chỗ trông rõ vào đằng trước cái nhà lá, thì thấy bóng
một chú tiểu. Chàng cố nhìn vào, thấy chú tiểu ấy đang lúi hủi khâu. Nhìn kỹ,
bỗng chàng rụng rời, vì người ấy chính là Lan, song già, xanh và gầy hẳn đi!
Bấy giờ chàng mới nghĩ ra là Lan ở chùa thì phải cạo trọc đầu, mà bịt cái
khăn vuông nâu, và mặc quần áo nâu, đi đất, trông tiều tụy quá!
Điệp không cầm nổi được nước mắt! Sao mà cái nét mặt Lan lại buồn quá
thế, mà thảm chưa, ai vẽ cho Lan hai nét răn trên má. Thôi, có lẽ Lan hay
khóc lắm, nên hai má nó thành tật như vậy mất rồi! Điệp ngắm Lan mãi, càng
ngắm càng giọt ngắn giọt dài. Bỗng có con chó xổ ra cắn, chàng phải chạy ra
đằng cổng trước.
Điệp bâng khuâng ngồi ở cổng, nghĩ đến ái tình của Lan đối với mình lúc
nào cũng đằm thắm mà tủi thân! Nào nàng ốm, nào nàng giữ mãi con dao mà
khóc, nào nàng đặt tên là Điệp, nào nàng gìn giữ cái thân tàn của con bướm,
đến lúc không được gần nó nữa thì không nỡ vứt mà chôn cất tử tế và ngày
nào cũng ra thăm, nào lại chôn cành hoa lan bên cạnh con bướm; những cách
nàng làm biết bao ý vị thâm trầm, mà thương hại thay, cái tâm linh của nàng,
chỉ một mình nàng biết! Lan thật là một người đáng yêu, đáng quý, đáng
trọng của Điệp suốt đời. Nhưng Điệp lại nghĩ đến mình đối với Lan, cũng
không đến nỗi xấu hổ, vì đã phụ bụng của người đáng yêu, đáng quí, đáng
trân trọng. Sở dĩ chàng bỏ việc bỏ vợ, cũng vì Lan; chàng chỉ vì yêu một
mình Lan; chàng không thế nhận ai là vợ được nữa. Chốc nữa, chàng giật