ngực Điệp cũng nổi theo hồi trống lo. Ông Phủ lừ lừ từ công đường đi xuống.
Tự nhiên Điệp vừa sợ vừa xấu hổ, nhưng cũng cố đứng dậy một cách sượng
sùng.
Không biết rằng thực thế hay Điệp nghĩ lầm, chàng thấy ông Phủ lãnh
đạm hẳn đi. Đích là ông giận lắm. Chàng toan giải bầy để tỏ nỗi oan uổng của
mình, nhưng tình ngay lý gian, biết nói thế nào cho trôi được? Rượu say mèm
rồi lê đến ngủ với con gái người ta, mà nằm gí đến trưa mới dậy được, chính
người ta bắt được quả tang, còn oan nỗi gì? May người ta giữ kín, tức là
người ta không muốn lộ ra để bọn đầy tớ nó cười cho, người ta tha bỏ tù là tốt
phúc, chứ còn chối cãi thế nào được? Khốn nạn, chỉ có lương tâm Điệp mới
hiểu cho Điệp, nhưng mà nếu cứ viện lương tâm ra để mong minh oan, thì
cũng khó nghe lắm. Điệp thấy ông Phủ không nói gì, lấy làm tấm tắc, bèn
đánh liều nói:
- Bẩm chú…
Ông Phủ lạnh lùng hỏi:
- Hôm qua anh say quá nhỉ! Anh có biết gì không?
Điệp thấy ông Phủ khởi thế công, đành rằng mình đuối lý thì nên giữ thế
chủ, hễ vứng được là khá rồi, nên trả lời:
- Bẩm chú, cháu chẳng biết gì cả.
Ông Phủ cười lạt. Nhưng cái cười tuy lạt mà nó đậm đà bao nhiêu ý nhị,
khiến Điệp rối beng không biết nên rào đón về mặt nào cho kín. Ông Phủ nói:
- Người ta say sượu, hay mất cả lẽ phải.
- Dạ, bẩm chú hôm qua cháu say quá, chẳng còn biết trời đất là gì, bây giờ
cháu vẫn còn thấy choáng váng.