Khắc Hiếu!
Đã hết đâu. Sau đó còn một cái quảng cáo nữa bằng thơ nhận đoán lý số Hà lạc:
…
Còn như tiền đặt quẻ
Nhiều năm (5$) ít có ba (3$):
Nhiều ít tuỳ ở khách,
Hậu bạc kể chi mà
[23]
.
Và dưới quảng cáo này vẫn cái tên ký: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Thực là thương tâm! Chúng ta, bọn thanh niên, đọc quảng cáo ấy khác gì đọc những lời buộc tội. Cái
vui chiến thắng đi qua, chúng ta bắt đầu hối hận. 10 octobre 1937, Ngày nay đăng một bài dịch thơ
Đường của Tản Đà với những lời hết sức khen ngợi. Thơ Tản Đà còn được Ngày nay đăng nhiều lần
nữa; nhóm Tự lực còn tính cả việc xuất bản thi phẩm của người mà hồi trước họ đã chế giễu
[24]
.
Nhưng phá đi dễ mà dựng lên khó. Làng thơ mới đã tàn phá thanh danh của Tản Đà. Dầu sao cũng
không thể sớm chiều khôi phục lại được. Phải chờ đến ngày 7 juin 1939 là ngày Tản Đà mất mới tìm
lại được cái không khí hơn mười năm trước. Những bài điếu văn khi hạ huyệt, những bài ca tụng trên
báo, những bài diễn thuyết tại hội Trí tri Hà Nội, đã kêu to lòng ái mộ của toàn thể làng thơ. Yêu Tản
Đà ta chạnh nghĩ đến người bạn tình của thi sĩ. Trong bộ đồ tang phục trông nàng cũng xinh xinh...
Thế rồi một hôm nàng đến tìm ta và ta thấy nàng khác hẳn, vẫn khuôn mặt cân đối ấy, vẫn cấi dáng đi
nghiêm chỉnh ấy, vẫn giọng nói nhỏ nhẹ ấy, nhưng mặn mà, nhưng đằm thắm y như mấy trăm năm trước,
hồi nàng còn thơ. Nàng theo sau một người bạn mới. Người bạn trân trọng giới thiệu nàng. Ta vồn vã
đón tiếp cả hai: nhà thơ mới Chế Lan Viên đề tựa Mùa cổ điển, một tập thơ cũ, đã khép lại một thời
đại trong thi ca.
*
* *
Một thời đại vừa chẵn mười năm,
Trong mười năm ấy, thơ mới đã tranh đấu gắt gao với thơ cũ, một bên giành quyền sống, một bên giữ
quyền sống. Cuộc tranh đấu kéo dài cho đến ngày thơ mới toàn thắng. Trong sự thắng lợi ấy, cũng có
công những người tả xung hữu đột nơi chiến trường, nhưng trước hết là công những nhà thơ mới. Tôi
không so sánh các nhà thơ mới với Nguyễn Du để xem ai hơn ai kém. Đời xưa có thể có những bực kỳ
tài đời này không sánh kịp. Đừng lấy một người sánh với một người. Hãy sánh thời đại cùng thời đại.
Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này.
Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như
Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận,
quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu.
Từ người này sang người khác, sự cách biệt rõ ràng. Cá tính con người bị kiềm chế trong bao nhiêu
lâu bỗng được giải phóng. Sự giải phóng có thể tai hại ở chỗ khác, ở đây nó chỉ làm giàu cho thi ca.
Cái sức mạnh súc tích từ mấy ngàn năm nhất đán tung bờ vỡ đê. Cảnh tượng thực là hỗn độn. Nhìn qua