ta chỉ thấy một điều rõ: ảnh hưởng phương Tây, hay đúng hơn, ảnh hưởng Pháp.
Nhưng ảnh hưởng Pháp cũng có chia đậm nhạt khác nhau.
Người đầu tiên chịu ảnh hưởng Pháp rất đậm là Thế Lữ. Những bài thơ có tiếng của Thế Lữ ra đời
từ đầu 1933 đến cuối 1934
[25]
. Giữa lúc người thanh niên Việt Nam đương ngập trong quá khứ đến
tận cổ thì Thế Lữ đưa về cho họ cái hương vị phương xa. Tác giả Mấy vần thơ liền được tôn làm
đương thời đệ nhất thi sĩ và nhờ thế đã lập được công lớn, đã mở đường cho các nhà thơ mới sau này.
Chung quanh ngôi sao Thế Lữ châu tuần bao nhiêu hành tinh có tên và không tên, hầu hết các thi sĩ lớn
nhỏ hồi bấy giờ: Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Đỗ Huy Nhiệm, Tường Bách, Lan Sơn, Việt Nữ
Hoàng Hương Bình, Thuỵ An, Nguyễn Nhuệ Thủy, Thanh Tịnh, Thúc Tề, Phi Yến, Lư Khê... Cả những
vì sao vốn ở một trời khác: Văn Đài, Đông Hồ, Mộng Tuyết, cũng ghé về châu tuần một lúc.
Cái vinh quang rực rỡ của Thế Lữ có lẽ đã khiến nhiều người thèm thuồng. Trong những người ấy có
Huy Thông và Nguyễn Vỹ.
Nguyễn Vỹ là người có chí cao nhưng tài mọn. Cái mộng tây hóa của trường thơ Bạch Nga (Nguyễn
Vỹ và Mộng Sơn) chỉ lưu lại có một bài: “Sương rơi”.
Huy Thông, khá hơn, đã đôi ba lần nhập tịch được vào thơ Việt cái không khí mơ màng của những
vở kịch Shakespeare và cái giọng hùng tráng của Victor Hugo. Huy Thông cũng đã lập ra một trường
thơ nhỏ trong ấy có Lam Giang, Phan Khắc Khoan
[26]
và một nhà thơ sau này sẽ đi xa: Chế Lan Viên.
Nhưng đến 1936, ảnh hưởng Pháp lại thấm thía thêm một tầng nữa. Trong thơ Thế Lữ ta chỉ thấy ẩn
hiện đôi nhà thơ Pháp về thời lãng mạn. Xuân Diệu, nhà thơ ra đời hồi bấy giờ, mới một cách rõ rệt.
Với Thế Lữ thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh bồng
lai và xua ai nấy về hạ giới. Với một nghệ thuật tinh vi đã học được của Baudelaire, Xuân Diệu diễn
tả lòng ham sống bồng bột trong thơ de Noailles và trong văn Gide. Lúc bấy giờ Thế Lữ mới tìm đến
Baudelaire nhưng nguồn thơ Thế Lữ đã cạn không sao đi kịp thời đại.
Ảnh hưởng Pháp trong thơ Việt đến Xuân Diệu là cực điểm. Qua năm 1938, Huy Cận ra đời, nó đã
bắt đầu xuống, mặc dầu Huy Cận cũng chịu ảnh hưởng thơ Pháp gần đây, nhất là ảnh hưởng Verlaine.
Chung quanh đôi bạn Xuân Diệu - Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì bàn ba: Tế Hanh, Huyền Kiêu,
Đinh Hùng, Phan Khắc Khoan, Thu Hồng, Nguyễn Đình Thư, Xuân Tâm, Huy Tân, Huy Chức, Phan
Thanh Phước, Nguyễn Đức Chính, Tường Đông... Đôi nhà thơ như Lan Sơn
[27]
, Thanh Tịnh, lúc nãy
đã thấy một bên Thế Lữ, bây giờ lại kéo nhau về đây. Và Thế Lữ ngồi một mình trong dĩ vãng chừng
thấy lẻ loi cũng về đây nốt.
Tôi không biết có nên để vào xóm Huy Xuân
[28]
hai nhà thơ Phạm Hầu và Yến Lan. Tuy thơ cùng
một giọng song hình như họ đã trực tiếp với các nhà thơ Pháp, ít khi nhờ Xuân Diệu, Huy Cận đứng
làm trung gian. Cái kín đáo của thơ Pháp gần đây tôi còn thấy ở Đoàn Phú Tứ.
Cùng ra đời một lần với thơ Huy Xuân nhưng kém thanh thế hơn nhiều là lối thơ tả chân. Thơ mới
vốn ưa tả chân hơn thơ cũ, nhưng làm những bài thơ tả chân biệt hẳn ra một lối chỉ có Nam Trân, Đoàn
Văn Cừ và Anh Thơ. Cũng có thể kể cả Bàng Bá Lân và Thu Hồng. Đoàn Văn Cừ chịu ảnh hưởng A.
Samain (Samain Hy Lạp không phải Samain tượng trưng). Nam Trân, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Thu
Hồng có lẽ chỉ đi theo cái xu hướng gần sự thực, dầu sự thực tầm thường là một đặc tính của văn học