phương Tây.
Trái hẳn với lối thơ tả chân có lối thơ Hàn Mặc Tử - Chế Lan Viên, cả hai đều chịu rất nặng ảnh
hưởng Baudelaire và, qua Baudelaire, ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe, tác giả tập Chuyện lạ
[29]
.
Có khác chăng là Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường
[30]
, mà Hàn Mặc Tử
đã đi ngược lại từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe và đi thêm một đoạn nữa cho gặp Thánh
Kinh của đạo Thiên Chúa. Cả hai đều cai trị trường thơ Loạn và đã chiêu tập một số đồ đệ là Hoàng
Diệp
[31]
, Quỳnh Dao, Xuân Khai (tức Yến Lan) nhưng không phải Chế Lan Viên đi về thơ Đường.
Nếu nói đi tới thơ tượng trưng Pháp có lẽ đúng hơn, tuy hai lối thơ này có chỗ giống nhau
[32]
. Điều ấy
thấy rõ ở tác phẩm một người rất gần Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử: Bích Khê.
Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách của thơ Pháp lối tượng trưng, nhưng còn dè
dặt. Bích Khê và ít nhiều nữa như Xuân Sanh
[33]
muốn đi đến chỗ người ta thường cho là cao nhất
trong thơ tượng trưng: Mallarmé, Valéry.
Ta vừa lần theo dòng thơ mạnh nhất trong những dòng thơ đi xuyên qua thời đại. Riêng về dòng thơ
này thơ Việt đã diễn lại trong mười năm cái lịch sử một trăm năm của thơ Pháp, từ lãng mạn đến Thi
Sơn
[34]
: tượng trưng và những nhà thơ sau tượng trưng. Tinh thần lãng mạn Pháp đã gia nhập vào văn
học Việt Nam từ năm 1932, cùng một lần với Tuyết hồng lệ sử, Tố Tâm và Giọt lệ thu. Cho nên trong
thời đại này nó chỉ còn phảng phất. Thơ tượng trưng được người ta thích hơn, nhất là Baudelaire,
người đầu tiên đã khơi nguồn thơ ấy. Có thể nói hầu hết các nhà thơ vừa kể trên, không nhiều thì ít, đều
bị ám ảnh vì Baudelaire.
Viết xong đoạn trên này đọc lại tôi thấy khó chịu. Mỗi nhà thơ Việt hình như mang nặng trên đầu năm
bảy nhà thơ Pháp. ấy chỉ vì tôi tìm ảnh hưởng để chia xu hướng. Sự thực đâu có thế. Tiếng Việt, tiếng
Pháp khác nhau xa. Hồn thơ Pháp hễ chuyển được vào thơ Việt là đã Việt hóa hoàn toàn. Sự thực thì
khi tôi xem thơ Xuân Diệu, tôi không nghĩ đến de Noailles. Tôi phải dằn lòng tôi không cho xôn xao
mới thấy thấp thoáng bóng tác giả Le Cœur innombrable. Thi văn Pháp không làm mất bản sắc Việt
Nam. Những sự mô phỏng ngu muội lập tức bị đào thải.
*
* *
Huống chi trong hàng thanh niên chịu ảnh hưởng thơ văn Pháp nhiều người lại quay về thơ Đường.
Thanh thế thơ Đường ở nước ta xưa nay bao giờ cũng lớn. Nhưng vì cái học khoa cử, những bài thơ
kiệt tác ngâm đi giảng lại hoài đã gần thành vô nghĩa. Nó chỉ còn là những cái máy để đúc ra hàng vạn
thí sinh cùng hàng vạn Lời thơ dở. Đến khi khoa cử bỏ, chữ nho không còn là một con đường tiến thân,
song thiếu niên Tây học vẫn có người xem sách nho. Họ chỉ cốt tìm một nguồn sống tinh thần. Họ đi
tới thơ Đường với một tấm lòng trong sạch và mới mẻ, điều kiện cần thiết để hiểu thơ. Cho nên, dầu
dốt nát, dầu nghĩa câu nghĩa chữ lắm khi họ rất mờ, họ đã hiểu thơ Đường hơn nhiều tay khoa bảng.
Hồn thơ Đường vắng đã lâu, nay lại trở về trong thơ Việt. Lần đầu tiên (1934) nó đi theo J.Leiba.
Leiba giao lại cho Thái Can. Thái Can giàu, Leiba sang, ở Thái Can cũng như ở Leiba hồn thơ Đường
có cái cốt cách đời thịnh. Với Đỗ Huy Nhiệm, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan
[35]
, Thâm