THI NHÂN VIỆT NAM - Trang 30

Nguyễn Xuân Huy, Thúc Tề, Nguyễn V

[38]

, T. T. Kh, Hằng Phương, Mộng Huyền, Trần Huyền Trân.

Nhưng không lấy gì làm rõ lắm.

Các nhà thơ về dòng này thường có lời thơ bình dị. Họ ít ảnh hưởng lẫn nhau và cũng ít có ảnh

hưởng đối với thi ca cận đại. Thi phẩm của họ có tính cách vĩnh viễn nhiều hơn tính cách một thời, và
họ nương vào thanh thế phương Tây cũng ít. Lưu Trọng Lư có thơ đăng báo trước Thế Lữ. Nhưng đến
khi Thế Lữ ra đời, người ta tưởng không có Lưu Trọng Lư nữa. Gần đây trong hàng thanh niên hình
như có người lại sực nhớ tới tác giả Tiếng thu. Phải chăng thi ca Việt Nam đã đi đến chỗ xoay chiều?

Đó là ba dòng thơ đã đi song song trong mười năm qua. Cố nhiên trong sự thực ba dòng ấy không có

cách biệt rõ ràng như thế. Nếu ta nghĩ đến những dòng sông thì đó là những dòng sông nước tràn bờ và
luôn luôn giao hoán với nhau. Tuy mỗi dòng mỗi khác nhưng cả ba dòng đều có vài xu hướng chung.

Phong trào thơ mới lúc bột phát có thể xem như một cuộc xâm lăng của văn xuôi. Văn xuôi tràn vào

địa hạt thơ, phá phách tan tành. Một đặc tính của văn xuôi là nói nhiều. Cho nên trong thơ hồi bấy giờ
thi tứ hình như giãn ra:

Ta là một khách chinh phu

Cả ý thơ dồn lại trong hai chữ “chinh phu”, bốn chữ kia thừa. Hãy so sánh câu ấy của Thế Lữ với

một câu thơ xưa:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Bảy chữ không một chữ thừa.

Nhưng rồi thơ mới cũng mất dần tính cách văn xuôi: văn thơ càng ngày càng thêm hàm súc. Đôi khi

lại còn hàm súc quá. Trong thơ Huy Cận đã thấy những câu như:

Ngàn năm sực tỉnh, lê thê

Trên thành son nhạt. - Chiều tê cúi đầu...

[39]

Hai câu ấy còn hiểu được một phần. Thơ của một vài người gần đây lại hàm súc đến nỗi có những

câu không ai hiểu gì cả.

Trong mười năm chúng ta đi từ thơ đến văn xuôi, rồi lại từ văn xuôi đến thơ và... ra ngoài địa hạt

thơ.

Đồng thời, ta thấy mất dần cái hăng hái lúc đầu. Còn nhớ: Ô. Nhất Linh quả quyết rằng thơ Đường

luật nếu có hay cũng chỉ hay về văn thể, khó hay về ý tưởng; Ô. Lưu Trọng Lư công kích tràn, theo họ
Lưu phép đối trong thơ cũ bất ngoại “con chó đi ra, con mèo chạy vô”; Ô. Phan Khôi đòi đưa những
bài thơ cũ người ta hùa nhau khen hay, “lột tận xương” ra xem cái hay ở đâu. Thực là liều lĩnh! Những
câu liều lĩnh như thế mà hồi bấy giờ bao nhiêu người cho là tự nhiên. Hẳn có sức gì nâng người ta lên
trên những điều phải chăng, mực thước ấy là một nguồn sống đương rạo rực trong tâm trí thanh niên và
trong những vần thơ linh động.

Mười năm qua. Bây giờ chúng ta “biết điều” hơn... Không còn ai làm những câu thơ 27 chữ như

Nguyễn Thị Kiêm

[40]

hay có đủ mười hai “chân” như Nguyễn Vỹ. Những cái ngông cuồng trái với tinh

thần tiếng Việt đều mất. Hồn thiêng của cha ông còn nương trong tiếng nói đã giữ con cháu không cho
làm loạn. Như thế càng hay. Chỉ sợ, cùng với cái ngông cuồng, ta mất luôn cả tinh thần sáng tạo.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.