Không biết tương lai sẽ thế nào. Tôi chỉ lo. Một nhà thơ có tài là một nguồn sống. Nhưng nguồn
sống vừa xuất hiện mầm chết đã đi theo. Tôi gọi bằng mầm chết cái thói bắt chước vô ý thức nó đương
lưu hành trong làng thơ như một cái họa. Không một nhà thơ nào nổi tiếng mà không có một bọn xúm
lại bắt chước. Bắt chước rồi tìm ra những vẻ đẹp riêng thì còn nói gì. Đằng này bọn họ như những con
thiêu thân chỉ nhảy vào lửa để mà chết.
Nói cho đúng, nhiều người vẫn còn ngông cuồng chán. Phong trào thơ mới đã phá vỡ ít khuôn khổ
xưa. Mấy người táo bạo này muốn tiếp tục công việc phá hoại ấy. Họ biến nghĩa tiếng một đi bằng
cách sắp đặt tiếng này với tiếng khác một cách bất ngờ. Như thế rất chính đáng. Các nhà thơ chân
chính xưa nay đều làm thế để nói cho đúng cái bản sắc của họ
[41]
. Nhưng bao giờ cũng giữ chừng
mực. Các Ô. Bích Khê và Xuân Sanh noi theo gương Mallarmé, Valéry không thèm gìn giữ gì hết.
Trong tác phẩm của họ vẫn chừng ấy tiếng ta rất quen, nhưng thảng hoặc ta mới tìm được dấu tích
những ý tứ, những tình cảm ta vẫn quen gửi vào đó, Họ chạm trổ rất tỉ mỉ, không phải những rồng
những phượng như ngày trước, mà những gì chẳng ai biết tên. Những gì đó đôi khi cũng đẹp. Đôi khi
hình như họ đã diễn tả được những điều sâu kín, nhưng lời thơ rắc rối quá, dầu sao phần đông chúng ta
cũng đành... kính nhi viễn chi.
Không, từ bao giờ đến bây giờ, từ Homère đến Kinh Thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức
đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn
với loài người cho đến ngày tận thế.
Và như thế chẳng có hại gì cho sự phát huy bản sắc của thi nhân. Đoàn thể bao giờ cũng đàn áp cá
nhân bằng tất cả sức nặng của ý sáo, chữ sáo. Làm thơ là phản động lại, là lật cái lớp ý sáo, chữ sáo
để tìm ở dưới những gì linh động và sâu sắc hơn. Tả tình hay tả cảnh, không quan hệ. Bởi tình hay cảnh
đều hòa theo nhịp sống của thi nhân. Nhưng cứ đi vào hồn một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống. Và đi
sâu vào hồn một nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người. Còn gì riêng cho Nguyễn Du, cho
người Việt Nam hơn Truyện Kiều? Nhưng Truyện Kiều cũng mãi mãi là chuyện tâm sự của con người
không chia màu da, chia thời đại.
Nếu các nhà thơ bí hiểm này chỉ có vài ba người thì chẳng sao. Cái tai nạn lớn nhất có thể xảy ra là
tốn giấy. Chưa biết chừng họ sẽ làm giàu cho thơ Việt Nam cũng nên. Tôi chỉ sợ các thi nhân ta đều
đua nhau vào con đường tối tăm ấy. Rồi thơ sẽ thành món tiêu khiển riêng cho ít người nhàn rỗi không
còn ăn thua gì đến cuộc đời chung.
Không, muốn tìm một nguồn sống cho thi ca, phải đi theo hướng khác. Ảnh hưởng Pháp đã giúp ta
nhận thức cái cá tính của ta. Hoặc trở về thơ Việt xưa, hoặc tìm đến thơ Đường, thơ Pháp, đi đâu thì ta
cũng cốt tìm ra. Ta tìm và nhiều lần ta đã gặp. Tôi không biết rồi đây thơ Pháp và thơ Đường, hay nói
rộng ra, thơ Trung Quốc, còn có thể đưa ta tới đâu
[42]
. Nhưng có một điều rõ ràng là ảnh hưởng thơ
xưa của ta hãy còn bạc nhược. Trong ba dòng thơ, dòng Việt luôn luôn bị gián đoạn mà những nhà thơ
xếp vào dòng này nhiều khi cũng chỉ nói mối cảm của mình một cách tự nhiên không nhờ người xưa
làm hướng đạo.
Di sản tinh thần của cha ông đại khái hãy còn nguyên vẹn. Tôi tin rằng nó có thể đưa sinh khí đến
cho thơ và cứu các nhà thơ ra khỏi một tình thế chừng như lúng túng. Trong thi phẩm mười năm nay ta
đã thấy hiện dần cái hình ảnh mới của người Việt Nam. Nếu các thi nhân ta đủ chân thành để thừa
hưởng đi sản xưa, nếu họ biết tìm đến thơ xưa với một tấm lòng trẻ, họ sẽ phát huy được những gì vĩnh