cách cố giữ lấy cho mình cái quyền say mê “thơ mới”, nói một cách khác là cái quyền thoát ly cách
mạng” (TTHT II - tr.303)..
Như vậy đó, Hoài Thanh luôn luôn chân thành cả lúc đúng lẫn lúc sai. Trong văn chương và trong
cả cuộc đời. Sự tự phê phán quá nghiêm khắc của Hoài Thanh là điều có thể hiểu được. Hoài Thanh
kiên quyết phủ định con người cũ của mình. Vì vậy, Hoài Thanh thực lòng lo lắng cho những ai, nhất là
lo cho các bạn trẻ đi lạc sang con đường mòn bế tắc của mình đã đi trước đây. Mặt khác, các cuộc đấu
tranh tư tưởng trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mấy
chục năm qua, thường vẫn trở lại những vấn đề cơ bản đã đặt ra hồi tranh luận nghệ thuật. (Tất nhiên
các vấn đề này đặt ra ở cấp độ khác, mang những màu sắc khác và có những yêu cầu khác). Là một
trong những người được Đảng giao trách nhiệm lãnh đạo lĩnh vực văn nghệ, Hoài Thanh càng thêm e
ngại cái cũ có cơ sống lại. Hoài Thanh thường nói tới trách nhiệm của người cầm bút, luôn, đề phòng
những lệch lạc về lập trường tư tưởng trong bối cảnh lịch sử cụ thể của vài chục năm qua là điều cần
thiết. Và trên thực tế không thể nói khác được.
*
Trong việc tiếp nhận các giá trị văn học nghệ thuật có một chân lý hiển nhiên không thể phủ nhận
được là: mỗi thời đại, mỗi lớp người có những thái độ và mức độ tiếp nhận khác nhau. Các tác phẩm
dở và các giá trị giả tất nhiên sẽ bị công chúng và thời gian vứt vào sọt rác của lịch sử. Các tác phẩm
hay, các giá trị văn học nghệ thuật chân chính của dân tộc và nhân loại, dầu có những hạn chế lớn do
lịch sử và thời đại tạo ra, bao giờ và ở đâu cũng có sức sống trong lòng nhân dân, được nhân dân giữ
gìn và trân trọng.
- Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên có cái nhìn hợp lý, hợp tình hơn đối với “thơ mới” và quyển Thi
nhân Việt Nam. Tôi thấy chẳng có gì phải e ngại rằng từ đây sẽ dẫn tới một sự phủ nhận nào đó. Thái
độ mácxít lêninit trong việc nhìn nhận lại các giá trị tinh thần của quá khứ bao giờ cũng bao gồm sự
tiếp nhận, sự kế thừa, sự sắp đặt lại và đương nhiên là có cả sự từ bỏ. Từ bỏ cái xấu, cái có hại, cái
sai để phát huy cái đẹp, cái có ích, cái đúng thì có gì là đáng ngại? Nhìn nhận lại “thơ mới” và quyển
Thi nhân Việt Nam không phải là lật trái mọi sự nhìn nhận đúng đắn và chân thành của chúng ta về
hiện tượng văn học phong phú và phức tạp này. Tôi tin rằng các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu,
phê bình, nhà văn, nhà thơ và các bạn đọc của chúng ta sẽ trân trọng ghi nhận và nghiên cứu nghiêm
túc các lời tâm sự, các lời tự phê phán của Hoài Thanh, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên... và
các nhà thơ khác trong cuộc. Những công trình nghiên cứu công phu của nhiều nhà nghiên cứu về văn
học hiện đại sẽ là những tài liệu quý, bổ ích không thể bỏ qua. Các hiện tượng tương tự trong văn học
thế giới sẽ được quan sát cẩn thận để giúp ta suy nghĩ sâu hơn. Và điều nhất thiết phải làm là có một
sự điều tra xã hội học có độ thông tin đáng tin cậy để có thể rút ra những kết luận cần thiết làm cơ sở
cho việc nhận định, đánh giá một cách thực sự khoa học. Thực tiễn đời sống chính trị - xã hội và đời
sống văn học nghệ thuật của đất nước ta hiện nay đang tạo ra bầu không khí thuận lợi và các điều kiện
thuận tiện cho công việc nghiên cứu thú vị và bổ ích này
*
Tôi không có tham vọng và cũng không đủ sức để làm cái công việc nêu ở trên. Ở đây tôi chỉ xin
nêu lướt một vài suy nghĩ xen lẫn hồi ức về Thi nhân Việt Nam và tác giả Thi nhân Việt Nam với
hy vọng mơ hồ rằng may ra góp một phần bé nhỏ có ích cho những ai cùng mối quan tâm với tôi trên
vấn đề nhìn nhận đầy đủ hơn “thơ mới” và cuốn Thi nhân Việt Nam.